Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
97 lượt xem

Yên Bái: Trồng nghệ, thu vàng

Cây nghệ chịu hạn, thích ứng rộng, không chỉ trồng trên đất ruộng cạn, đất vườn mà còn trồng được trên cả đất đồi không có điều kiện tưới nước, cho thu nhập cao.

Cây nghệ gắn liền với cuộc sống người dân thôn Trấn Ninh, xã Yên Thịnh (Thành phố Yên Bái) nhiều năm nay. Từ góc vườn trước đây bị bỏ trống, những thửa ruộng khô hạn không thể cấy lúa nay đã được phủ xanh bằng cây nghệ.

Đến Trấn Ninh, đâu đâu cũng nhìn thấy nghệ, nhà ít thì 2 – 3 sào, nhà nhiều diện tích đất trồng nghệ lên đến cả mẫu, có những gia đình đã vươn lên làm giàu từ chế biến tinh bột nghệ.

Ông Tạ Văn Túc, một trong những người tiên phong trong mô hình trồng, sản xuất tinh bột nghệ ở thôn Trấn Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi trồng nghệ từ năm 2001, lúc đó trong thôn chỉ có 3 – 4 hộ trồng nghệ để bán nghệ tươi ra thị trường. Với diện tích đất đồi, vườn trồng các loại cây như sắn, ngô… cho hiệu quả thấp, tôi đã chuyển sang trồng nghệ. Cây nghệ mang lại thu nhập cho gia đình cao gấp 3 – 4 lần so với các loại cây khác”.

Thấy lợi ích kinh tế cây nghệ mang lại cao, ông Túc đã tìm hiểu thêm một số giống nghệ từ các địa phương khác đưa về trồng thử nghiệm như: Nghệ đỏ Hưng Yên, nghệ vàng (nghệ nếp) của các xã ven sông Hồng ở huyện Văn Yên (Yên Bái). Sau thời gian trồng thử nghiệm 2 giống nghệ trên, đã cho năng suất cao, đến nay đã thay thế toàn bộ các giống nghệ bản địa.

Nghệ đỏ Hưng Yên là loại củ to, có màu đỏ nhưng cho ít tinh bột, với 10kg nghệ tươi sau chế biến thu được khoảng 0,3kg tinh bột nên chủ yếu được trồng để bán nghệ tươi và làm bột nghệ thô bán cho các nhà hàng, quán ăn dùng làm thực phẩm chế biến các món ăn.

Còn cây nghệ vàng (nghệ nếp) củ nhỏ, sai củ, cho hàm lượng tinh bột cao, với 10kg nghệ tươi sau chế biến thu được khoảng 0,6kg tinh bột nguyên chất.

Cây nghệ được trồng từ tháng 1- 2 đến khoảng tháng 10 hàng năm, có thể thu hoạch củ tươi để bán cho thương lái. Khoảng háng 11 – 12 nghệ cho hàm lượng tinh bột cao, lúc đó thu hoạch đại trà đem về chế biến sẽ cho tinh bột đạt chất lượng tốt nhất.

“Năm 2021, tôi thu khoảng 13 tấn nghệ tươi, sau khi chế biến thu được 5 tạ tinh bột nghệ nguyên chất, 7 tạ bột thô. Với giá bán 150.000/kg bột thô, 300.000/kg tinh bột nghệ, sau khi trừ hết chi phí tôi thu về khoảng 120 triệu đồng”, ông Túc phấn khởi.

Ngoài chế biến tinh bột nghệ của gia đình, hàng năm ông Túc còn đi chế biến thuê cho những hộ gia đình trồng nghệ trong vùng mà chưa có máy chế biến.

Chị Nguyễn Thị Kim Cương ở thôn Trấn Ninh (xã Tân Thịnh) cho biết: “Cây nghệ có khả năng chịu hạn cao, thích ứng rộng, không chỉ trồng trên đất ruộng cạn, đất vườn mà còn trồng được trên cả đất đồi không có điều kiện tưới nước. Hiện tại, gia đình tôi trồng khoảng 5 sào, mỗi năm thu khoảng 7 tấn nghệ tươi, sau chế biến thu khoảng 3 tạ tinh bột, bán với giá 300.000/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 70 triệu đồng. Thấy giá trị kinh tế cây nghệ mang lại cao, mọi người trong thôn cũng chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng nghệ”.

Ông Trung Hải Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Sản phẩm tinh bột nghệ của xã Tân Thịnh đã được đăng ký là sản phẩm OCOP 3 sao.

Để chế biến cho ra sản phẩm bột nghệ, mặc dù không vất vả nhưng đòi hỏi rất tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian và trải qua 7 công đoạn. Để có được tinh bột nghệ đạt chất lượng tốt nhất, sau khi nghiền vắt lấy nước, tiến hành ngâm, khoảng 4 – 5 tiếng thay nước một lần, mất khoảng năm lần lọc nước sẽ thu được sản phẩn là tinh bột nghệ nguyên chất. Sau đó, bột nghệ phải được phơi trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mới đảm bảo chất lượng, màu sắc đẹp.

Để giữ được màu sắc, thời gian cất trữ được lâu, tinh bột nghệ thường được đem đi sấy bằng máy, sau đó bọc trong bao, lọ kín và có thể để được cả năm mà không sợ bị hỏng.

Bài viết cùng chủ đề: