Thế hệ học trò ngày xưa, rất sợ thầy cô. Sợ bằng sự kính trọng xuất phát từ trong máu thịt và từ chính sự uy nghiêm của người dạy dỗ mình. Sự nghiêm khắc toát lên từ người thầy, cùng thương yêu, sự bao dung, đã khiến học trò ngoan ngoãn, chăm chỉ. Hiếm khi giáo viên phải dùng hình phạt để duy trì trật tự, nền nếp trong lớp học.
Cách đây vài chục năm, hình ảnh người thầy rất lung linh, dù thời đó vẫn còn tồn tại câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nghĩa là, nhà giáo là tầng lớp nghèo trong xã hội. Nghèo nhưng vẫn được nể trọng, nhất là các học trò.
Thỉnh thoảng, trong lớp mới có một vài học sinh cá biệt, lười biếng và ngỗ nghịch buộc giáo viên phải có biện pháp. Đang giờ học, học sinh chểnh mảng lời giảng của thầy cô, lo ra, chỉ cần thầy cô chọi viên phấn nhắc nhở là đã sợ hãi.
Đối với học sinh cấp 2 và cấp 3, em nào vi phạm thì mạnh lắm là bị ghi tên vào sổ đầu bài, đầu tuần sinh hoạt dưới cờ, bị bêu tên, đứng giơ mặt ra trước học sinh toàn trường, đủ xấu hổ lắm rồi. Nếu vẫn tái phạm, giáo viên chủ nhiệm sẽ mời phụ huynh vào trường để “uống trà”, đây là biện pháp mà bất cứ học sinh nào cũng sợ nhất.
Học sinh vi phạm còn bị phạt bằng hình thức lao động. Suốt 1 tuần phải đi học sớm để quét lớp, trải thảm bàn giáo viên… trước giờ trống điểm vào học, trong khi các bạn thư thả vui chơi, ôn bài. Chuyển tiết học còn phải làm nhiệm vụ lau bảng. Bị phạt lao động là nỗi ám ảnh của học sinh, vi phạm một lần là chẳng bao giờ dám tái phạm.
Học sinh lười biếng, thường xuyên không thuộc bài, bị phạt chép bài phạt. Một công thức phải chép tới chép lui hàng trăm lần, có khi cả nghìn lần vào xấp giấy học trò và phải nộp cho giáo viên bộ môn đúng hạn, rất vất vả. Tuy mất công, nhưng có ưu điểm là dù cho cô cậu học trò có lười biếng, cũng thuộc bài sau trận mỏi tay chép phạt như vậy. Ngoài ra còn bị giáo viên bắt học cấm túc, nghĩa là vào ngày nghỉ, phải tự đến lớp ngồi học một mình, có người kiểm tra kết quả đàng hoàng.
Cuối mỗi học kỳ, các lỗi của từng học sinh được giáo viên chủ nhiệm mang ra tổng kết, dựa vào đó xếp loại hạnh kiểm các loại: Tốt, khá, trung bình. Trầm trọng nhất là học sinh bị xếp hạnh kiểm yếu, sẽ có nguy cơ ở lại lớp hoặc bị đuổi học. Cuối năm học, hạnh kiểm học sinh được xét lại một lần nữa, nếu học sinh từng có vấn đề nhưng biết phấn đấu “cải tạo” thì được Hội đồng nhà trường “khoan hồng”.
Riêng cấp tiểu học, cha mẹ của học sinh hoàn toàn tin tưởng vào thầy, cô. Họ gửi gắm con mình cho thầy cô dạy dỗ ở trường về kiến thức lẫn đạo đức. Gần như phụ huynh luôn đồng quan điểm với hình thức xử lý, nếu con em mình vi phạm.
Tôi nhớ năm mình học lớp 5, có lần không thuộc bài nhưng láu cá, giơ tay xung phong trả bài. Thường những lần trước, những học sinh xung phong trả bài, thầy sẽ không gọi vì biết chắc học sinh đó thuộc bài, lại nhìn xuống dò xét, thấy đứa nào mặt mày tái mét, gọi lên kiểm tra. Chẳng may cho tôi, bị thầy gọi lên. Thế là thầy phát hiện sự gian dối, giận lắm. Thầy bảo: “Con không được như vậy. Bây giờ xòe tay ra, thầy đánh 5 roi cho nhớ, lần sau không tái phạm”. Nhìn cây thước bảng to, tôi rất sợ nhưng vẫn xòe tay ra cho thầy đánh. Đến khi thấy thầy uy nghiêm ngồi trên ghế, dùng hết lực đánh xuống, tôi sợ hãi, rút tay. Thầy mất thế, chúi nhủi… Thế là thầy nổi trận lôi đình, đánh vào mông nhiều cái đau điếng. Đến chiều về, mẹ tôi phát hiện mông của tôi sưng tấy, hỏi chuyện, chẳng những không xót xa, phàn nàn mà hôm sau còn vào lớp cảm ơn thầy dạy con mình nên người.
Thời đó, học sinh tiểu học không thuộc bài bị giáo viên bắt quỳ gối trong một góc lớp suốt cả tiếng đồng hồ, vừa khóc thút thít vừa học bài cho đến khi thuộc mới được về chỗ ngồi, là rất bình thường. Ngậm thước kẻ, bút vào miệng để khỏi “nhiều chuyện”, gây mất trật tự trong lớp cũng là hình thức thế hệ học trò chúng tôi thường bị phạt. Chẳng bao giờ thấy phụ huynh nào vào trường phàn nàn. Giáo viên có quyền dùng thước kẻ, bắt học trò xòe tay đánh tượng trưng cho nhớ lỗi cũng là chuyện chẳng phụ huynh nào than phiền, thậm chí còn đồng tình.
Thời đó, học trò rất sợ và kính trọng thầy, cô. Người giáo viên rất uy nghi với trò. Gặp một giáo viên, dù người đó chưa từng dạy mình, học trò cũng phải lễ phép gật đầu chào. Thấy một giáo viên từ xa, trò đã chuẩn bị tư thế đàng hoàng, cúi đầu, khoanh tay lễ phép chào hỏi.
Người giáo viên dạy dỗ học sinh khi nhân cách các em mới hình thành, rất quan trọng. Và học sinh nào rồi cũng bước ra cuộc đời rộng lớn, va chạm với xã hội, rời thầy cô. Lúc đó chúng sẽ nhớ lại những kỷ niệm đẹp xấu thời ngồi ghế nhà trường, đủ trí khôn để đánh giá những gì thầy cô dành cho mình.