Ông Lê Văn Dũng được mệnh danh là “tỉ phú cá chép giòn” ở Đồng Tháp, mỗi năm xuất bán trên 200 tấn cá, thu về tiền tỉ.

Trước khi đầu tư nuôi cá chép giòn, ông Lê Văn Dũng (60 tuổi, ngụ ấp 3, xã An Phong, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) gắn bó với nghề nuôi cá trên sông Tiền hàng chục năm, như cá tra, cá điêu hồng, cá bống tượng…

Năm 2011, ông Dũng được một người bạn giới thiệu về mô hình nuôi cá chép giòn trên sông. Thời điểm này, ở miền Tây ít người nuôi, trong khi nhu cầu thị trường cao nên giá cả luôn ở mức cao. Thấy vậy, ông Dũng quyết định nhập 6.000 con giống nuôi thử nghiệm. “Qua tìm hiểu, nhận thấy ở Đồng Tháp có thể nuôi được cá chép giòn nên tôi mua giống về thả bè nuôi. Sau một thời gian, nuôi, hiệu quả đạt được khả quan nên tôi mở rộng quy mô”, ông Dũng kể.

Năm 2014, nguồn nước ở khu vực sông Cái Vừng (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) không còn phù hợp, ông Dũng phải di dời bè cá chép giòn ra sông Tiền, đoạn chảy qua xã An Phong, H.Thanh Bình để nuôi cho đến nay.

Về hành trình đưa cá chép giòn ra thị trường, ông Dũng kể rằng ông từng rong ruổi trên chiếc xe máy, hai bên treo 2 giỏ cá chép đến nhiều nhà hàng, quán ăn ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang để giới thiệu sản phẩm; thậm chí, phải nài nỉ tặng cá cho khách ăn thử. Nhờ sự kiên trì, cộng với chất lượng thịt cá dai, thơm ngon nên dần được thị trường chấp nhận. Sau đó, nhiều thương lái đến tận bè cá của ông để mua.

Theo ông Dũng, cá chép giòn thực chất là loại cá chép thông thường. Tuy nhiên, khi nuôi cá đúng kích cỡ tiêu chuẩn đạt trọng lượng khoảng 1,5 kg/con thì chuyển từ thức ăn công nghiệp sang cho ăn đậu tằm cho đến lúc thu hoạch, để tạo thịt dai. Cá nuôi khoảng 10 tháng có thể xuất bán.

“Trong hạt đậu tằm có chất tự nhiên giàu chất đạm, tinh bột và ít chất béo nên sẽ giúp thịt cá dai và có độ giòn, ăn rất ngon. Cá chép được nuôi bằng hạt đậu tằm nên đảm bảo sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Dũng cho biết.

Trước khi tiến hành cho cá ăn, đậu tằm phải được ngâm ủ khoảng 24 giờ, những hạt to phải cắt ra làm đôi. Đậu tằm phải bảo đảm chất lượng và xuất xứ từ Úc với giá khoảng 15.000 đồng/kg. Khi cho cá ăn, bỏ vào thùng, nhấn chìm dưới nước.

Ưu điểm của cá chép giòn là dễ nuôi, ít bệnh, tăng trưởng nhanh, giá luôn giữ ở mức cao, hút hàng. Hiện, mỗi năm ông Dũng bán ra thị trường khoảng 200 tấn, giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/kg, thu nhập trên 2 tỉ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ khắp các tỉnh, thành ĐBSCL đến TP.HCM và ra tận miền Trung.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Dũng còn tận tình hướng dẫn cho nhiều nông dân địa phương và các tỉnh lân cận về kỹ thuật, kinh nghiệm để cùng phát triển nuôi cá chép giòn. Sắp tới, ông dự định liên kết với các doanh nghiệp đưa giống cá này ra thị trường nước ngoài.

Theo thanhnien.vn