Hiện nay, quy định về xử lý vi phạm tốc độ của người điều khiển phương tiện giao thông có nhiều mức khác nhau, có mức không bị phạt.

Chạy quá tốc độ là gì?

Theo đó, chạy quá tốc độ là khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về tốc độ theo các quy định trong Thông tư 91/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/3/2016).

Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là tối đa 60km/h trong khu vực đông dân cư trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Trong trường đường có 2 chiều không có giải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới thì tốc độ tối đa cho phép là 50 km/h.

Mức phạt xe chạy quá tốc độ

Quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, chạy xe quá tốc độ sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:

Mức phạt môtô, xe máy chạy quá tốc độ (kể cả xe máy điện)

– Phạt tiền từ 300 – 400 nghìn đồng với hành vi điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ từ 5 km/h đến dưới 10 km/h theo điểm C khoản 2, điều 6.

– Phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng khi người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến dưới 20 km/h theo điểm A khoản 4 điều 6 quy định.

– Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng khi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng theo điểm A khoản 7 điều 6.

Bên cạnh mức phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn buộc bổ sung hình phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

– Theo điểm B khoản 7 điều 6, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

– Tại điểm D khoản 8 điều 6 quy định, điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Mức phạt đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô về hành vi chạy quá tốc độ

– Tại điểm A khoản 3 điều 5, phạt tiền từ 800 – 1 triệu đồng với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h.

–  Phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng theo điểm i khoản 5 điều 5, nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 – 20 km/h.

Theo điểm B khoản 11 điều 5, người điều khiển vi phạm tốc độ còn bị tước Giấy phép lái xe từ 1 – 3 tháng.

– Điểm A khoản 6 điều 5, ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

– Điểm C khoản 7 điều 5, điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

– Điểm A khoản 7 điều 5 cũng quy định, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h sẽ không bị phạt?

Khi điều khiển phương tiện tham gia thông, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường bộ về tốc độ. Tuy nhiên, luật cũng quy định rõ về trường hợp xe chạy quá tốc độ, nhưng không bị xử phạt, hiểu đơn giản là tốc độ vượt quá trong mức cho phép.

Theo Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt tốc độ cho phép dưới 5km/h sẽ không được coi là vi phạm.

Chính vì vậy, khi cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra sẽ chỉ nhắc nhở người điều khiển vượt quá tốc độ dưới 5km/h chứ không thể xử phạt vi phạm hành chính vì không đủ căn cứ.

Mặc dù vậy, người điều khiển cần chạy đúng tốc độ để đảm bảo an toàn, việc vượt quá tốc độ dưới 5km/h chỉ dùng khi vượt các phương tiện khác, không nên quá lạm dụng.