Đáng lý một căn hộ chung cư với đầy đủ tiện nghi cùng các lợi ích công cộng sẽ được lòng các gia chủ. Nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn cố bám trụ nhà trong hẻm trung tâm, nhất quyết không chịu bán đi.
Vì sao lại như vậy? Độc giả Thanh Nguyễn Xuân đưa ra quan điểm như sau:
“Bản thân tôi không ủng hộ hay phản đối việc áp niên hạn sở hữu chung cư, vì luật này đưa ra cũng là cách để người dân biết được chung cư cũng có tuổi thọ và ý thức được khi nó xuống cấp, cần di dời, chứ không nên cố thủ ở lại như hiện nay. Tuy nhiên, việc sở hữu chung cư 50 năm không giúp nhiều cho việc kiểm soát giá nhà đất đang tăng phi mã như hiện tại.
Hiện nay, vấn đề lớn nhất khiến giá nhà ở trung tâm thành phố luôn quá cao là vì người dân không chịu sống ở xa trung tâm. Điều này một phần do điều kiện di chuyển (đi học, đi làm) từ ngoại ô vào nội ô quá tệ. Nếu ở Bình Chánh mà đi làm ở quận 10 hay quận Tân Bình thì sẽ mất hơn tiếng đi lại ngoài đường (chiều về tương tự). Đó sẽ là cả một áp lực rất lớn.
Nếu điều kiện di chuyển thuận tiện, dễ dàng hơn, có lẽ người dân đã có thể dời ra ngoại ô và giá đất sẽ hạ nhiệt dần ở trung tâm. Năm 2009, Tp.Hồ Chí Minh có dự án mở cầu Bình Tiên nối Quận 8 với Quận 6, thông lên đại lộ Võ Văn Kiệt, giải quyết nhu cầu đi lại rất lớn của người dân, Thế nhưng, sau 12 năm lay lắt sửa đi sửa lại, đề án bị hủy cách đây một năm. Vậy là không thấy tính thực tiễn và lợi ích đâu, chỉ thấy giá đất cứ tăng ngùn ngụt qua mỗi năm, trong khi các khu dân cư ở chân cầu Bình Tiên vẫn vắng vẻ.
Câu chuyện tương tự với tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Đồng nghiệp của tôi ở Thủ Đức dự định khi vào công ty thì tuyến Metro cũng xây xong, đi làm rất tiện. Thế rồi, bạn đã vào làm được 5 năm mà vẫn chưa thấy được mặt mũi Metro đâu. Vừa rồi đã chuyển qua công ty khác, trước cả khi Metro thành hình.
Do giao thông quá khó mà dịch vụ cũng lao vào trung tâm vì sợ đi xa sẽ khó, rồi các công ty cũng tập trung ở trung tâm (ngoại trừ các tập đoàn quá lớn dám đổ tiền ra khu ngoại ô để tự tạo hạ tầng), giáo dục, trường học, bệnh viện ở trung tâm cũng tốt hơn, thành ra kẹt càng thêm trầm trọng, giá đất cao càng thêm cao.
Với tâm lý “an cư lạc nghiệp”, nhiều người cũng muốn mua nhà. Tôi thấy điều này chắc bắt nguồn từ những người thời trước (như mẹ tôi) có cuộc sống khó khăn và bất ổn, năm nay làm được nhưng không biết năm sau thế nào, có biến động gì không, nên để dành tiền mua nhà để phòng, nếu tốt thì ăn nhiều, nếu thua thì có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Do vậy, mà giá nhà cũng tăng.
Hiện tại, tôi thấy phần đông người Việt làm việc tự do, nên điều kiện sống cũng tương tự như mẹ tôi ngày xưa, cố gom góp tiền để mua nhà đất. Còn tôi vẫn đang ở chung cư và đang có ý định bán chung cư để đi ở thuê vì việc làm ổn định, thu nhập cũng tương đối, và tiền bán nhà nếu gửi ngân hàng thì tiền lời vẫn cao hơn tiền đi thuê.
Thật ra tôi cũng chưa hiểu vì sao nhiều căn nhà đất ở gần đây, nhà trong hẻm lớn, mở được tiệm tạp hóa, bán được chút ít, giá nhà quá cao nhưng người ta vẫn không bán. Thậm chí, nếu bán căn này thì họ hoàn toàn có thể mua được hai căn chung cư gần đây, tiền dư có thể kinh doanh gì đó, hoặc gửi ngân hàng rồi đi làm công ty cũng khá ổn. Chung quy, tôi nghĩ các đề án trước đây của nhà nước nếu được thực thi đầy đủ và đúng hạn thì sẽ giúp hạ nhiệt thị trường nhà đất rất nhiều. Tiếc rằng đó vẫn mãi chỉ là một giấc mơ còn dang dở”.