Sau Tết, Thu Hoài quyết định chi gần một tỷ đồng mua ôtô “để đi làm cho sướng”, chấp nhận ở chung phòng trọ với ba người bạn, thay vì vay nợ để mua nhà.

Sau hơn tám năm đi làm, cô hướng dẫn viên du lịch 32 tuổi tích lũy được hơn một tỷ đồng. Kế hoạch các năm trước của Hoài là mua một căn chung cư ở thủ đô để đưa mẹ về sống cùng, vì chỉ hai mẹ con. Những căn hộ mà cô ưng có giá hơn hai tỷ đồng. Mẹ nói nếu Hoài quyết mua, bà sẽ cho con hết khoản tiền dưỡng già gần 200 triệu đồng.

Cô dự định vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng, lãi suất 10% trong năm năm. Nếu vay, hàng tháng Hoài phải trả vừa gốc vừa lãi gần 10 triệu đồng, bằng một nửa tiền lương.

Bạn thân và người nhà sẵn sàng cho mượn số tiền trên nhưng tưởng tượng cảnh họ đột ngột đòi, cô sợ. Nghĩ mình độc thân, có thể tích lũy thêm vài năm để mua nhà, cô thắt chặt chi tiêu, đồng thời, kiếm thêm việc làm buổi tối và cuối tuần. Cô lên hội nhóm tìm khách ngoại quốc cần hướng dẫn viên. Hết giờ hành chính, Hoài lại đi phiên dịch, đưa khách đi tham quan.

Hai năm dịch bệnh, thu nhập bấp bênh trong khi giá chung cư đầu năm 2022 tăng vài trăm triệu đồng mỗi căn. Cảm thấy càng cố, giấc mơ mua được nhà càng xa, Hoài xuống tiền mua một ôtô bằng nửa khoản tiết kiệm.

Số tiền còn lại, cô dành một phần gửi ngân hàng và khoản nhỏ đầu tư chứng khoán để học hỏi. Hoài kỳ vọng sẽ có thêm khoản thu nhập thụ động trong vài tháng tới. “Dù có lỗ, tôi cũng không quá áp lực”, cô gái trọ ở quận Hai Bà Trưng, nói.

Hoài không phải số ít dừng kế hoạch mua nhà. Một khảo sát đầu năm 2022, 76% độc giả trì hoãn kế hoạch mua nhà do Covid-19. Trong đó, 45,6% người trả lời cho biết sẽ lùi dài hạn việc mua nhà, trong khi 30,4% lùi kế hoạch này trong ngắn hạn.

Trong nhiều yếu tố, bài toán tài chính được đề cập nhiều nhất. Theo đó, 25% số người được hỏi chưa có đủ vốn tự có; 8% lo lắng việc trả lãi ngân hàng; 11,4% vừa băn khoăn đến bài toán trả lãi ngân hàng, vừa không có đủ vốn tự có.

Chị Thu Hiền, 31 tuổi, một nhà môi giới bất động sản, chuyên bán, cho thuê căn hộ bình dân ở Hà Nội và TP HCM, cho hay, 40% khách hàng tìm đến công ty chị năm ngoái thuê nhà, dù họ có đủ tiền mua.

“Thay vì vay nợ mua căn nhà 2 tỷ đồng, khách hàng để tiền đó đầu tư chứng khoán, gửi ngân hàng lấy lãi. Chỉ tính lãi ngân hàng cũng thừa sức thuê một căn hộ tầm trung, để gia đình sinh hoạt thoải mái, đi lại thuận tiện”, chị Hiền nói.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, 32 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng quyết định lùi kế hoạch mua nhà, khi chứng kiến vài người bạn phải bán căn hộ vừa mua được hai năm vì “làm không đủ trả nợ”.

Khi con hai tuổi, vợ anh đi làm lại. Có thêm nguồn thu nhập, hai vợ chồng đặt mục tiêu có nhà trước khi con vào lớp 1. Họ dự tính góp được 50% giá trị căn hộ sẽ xuống tiền.

Anh chị gửi con về quê cho ông bà nội để giảm bớt chi tiêu. Anh Dũng làm hai việc cùng lúc, nhiều tuần liên tục chỉ về nhà lúc 2 giờ sáng. “Có bữa rét mướt, về nhà chẳng tắm, tranh thủ từng phút ngủ để 7h sáng hôm sau lại đi. Ở với nhau mà vợ chồng không ăn được bữa cơm chung, không nói được câu chuyện”, anh kể. “Điên cuồng cày cuốc”, thu nhập của Dũng tăng gấp ba trong khi tiền lương của vợ đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Ba năm tích góp, vợ chồng anh Dũng có hơn 800 triệu đồng, chạm mốc mà họ đã đặt ra. Hai vợ chồng bắt tay vào công cuộc tìm nhà.

Nhưng nhà chưa mua được thì một tháng gần đây, anh Dũng thấy chóng mặt, căng thẳng. Bác sĩ kết luận anh mất ngủ và lao lực do làm việc quá sức. Anh buộc phải giảm khối lượng công việc dành thời gian nghỉ ngơi.

Nhìn kết luận của bác sĩ, chị Hòa, vợ anh từ bỏ ý định mua nhà. “Tôi nghĩ có nhà mới có một tổ ấm đúng nghĩa. Nhưng tổ ấm gì mà để có nó, tôi phải xa con, chồng phải ốm đau, lao lực”, chị nói. Tết năm nay, chị Hòa về quê đón con và mẹ chồng lên Hà Nội, đồng thời mua một lô đất ở quê, giá hơn 600 triệu đồng để đầu tư. Khoản còn lại, chị gửi ngân hàng phòng lúc ốm đau. “Không còn mục tiêu mua nhà, tôi như vứt được tảng đá đeo trên người”, Hòa nói.

Hầu hết các nhà môi giới bất động sản đều cho rằng với tình cảnh như vợ chồng anh Dũng không nên cố mua nhà. “Hai năm dịch bệnh, tôi chứng kiến lượng chủ nhà nhờ bán lại căn hộ do không đủ tiền trả góp tăng gấp đôi trước dịch”, chị Hiền nói.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối cho vay Khách hàng cá nhân Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho hay, khi quyết định vay mua chung cư, cần tuân thủ bốn nguyên tắc. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên cần lưu ý là chỉ vay trong khả năng có thể trả nợ.

Muốn mua nhà đất nhưng thấy vay mà không đủ khả năng trả nợ, vợ chồng chị Minh Hồng, 35 tuổi, ở Nam Từ Liêm, cũng từ bỏ ý định. Chị nghĩ, mua nhà chung cư chỉ có thời hạn 50 năm, “không để lại gì cho con khi về già” nên chỉ thích nhà đất. Tuy nhiên, với gần hai tỷ đồng trong tay, muốn được như ý, họ buộc phải vay mượn để đủ 3-5 tỷ đồng.

Để tiết kiệm, chị Hồng bàn với chồng tạm thời chưa cho con gái học thêm tiếng Anh. Con muốn học lớp múa như bạn cùng lớp, chị cũng gạt đi. “Tăng thu, giảm chi, khi nào có nhà rồi tính”, chị ra thiết quân luật. Hàng ngày, chồng chị chỉ được tiêu không quá 100 nghìn đồng, bao gồm ăn sáng, ăn trưa, xăng xe. Nhiều lần, bị chồng vùng vằng vì quản chuyện tiền bạc, chị lập tức nhắc tới mục tiêu mua nhà để cơn giận của anh lắng xuống.

Nhưng Covid-19 ập đến, vợ chồng giáo viên không còn thu nhập từ dạy thêm. “Nghĩ đến khoản lãi mỗi tháng phải đóng, tôi thôi ngay ý định”, chị Hồng nói.

Hai vợ chồng chị thuê lại một căn hộ cũ với giá hơn ba triệu đồng mỗi tháng rồi tự cải tạo. Họ thầu thêm 5 căn hộ, tranh thủ thời gian nghỉ dịch để sơn sửa, tân trang và mua sắm thiết bị rồi cho thuê lại. Hiện tại, với nguồn thu nhập thụ động đó, chị Hồng không tốn tiền thuê nhà.

Khoản tiền tích lũy mua nhà trước đó, chị mua một mảnh đất ở quê, một tỷ gửi ngân hàng. “Nếu liều vay mua nhà, năm nay trẻ con chưa đi học lại, chắc hai vợ chồng ngồi trên đống lửa vì không có tiền trả nợ”, chị nói.

Về phần Thu Hoài, thay vì mỗi tháng một lần đi xe bus hoặc xe máy, cô lái ôtô về nhà với mẹ. Để đổi gió, cuối tuần Hoài đón mẹ lên trung tâm thành phố mua sắm, đi ăn, tối đưa về. Hai mẹ con cũng lên kế hoạch đi du lịch để có nhiều kỷ niệm đẹp.

Sau những ngày nghỉ ngơi, sức khỏe anh Dũng đã ổn định. Anh chọn thuê một căn hộ có vị trí giữa nơi cả hai làm việc, giá 7 triệu đồng một tháng. Sau giờ hành chính, chị Hòa cơm nước cho cả nhà, anh Dũng chơi, dạy con học, thay vì làm đến hai giờ sáng.

Năm nay, họ tính sẽ đi du lịch một chuyến trong nước và ra nước ngoài một chuyến để trải nghiệm. “Cuộc sống ngắn lắm. Tốt nhất, nên tránh những căng thẳng không cần thiết. Thay vì cứ cặm cụi kiếm tiền để mua một cái nhà, còn trẻ, chân còn đi được, thì tranh thủ đi đây đi đó cho mở mang”, anh tâm sự.