Hai năm nay, anh Sáng đầu tư gần 500 triệu đồng mua con giống, làm chuồng trại nuôi chồn hương sinh sản. Mô hình giúp chàng trai trẻ có thu nhập cao.

Đầu năm 2021, anh Trần Khắc Sáng (24 tuổi, trú tại tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn thành nghĩa vụ công an.

Trở về địa phương, anh Sáng tìm tòi và có ý định đầu tư vào mô hình nuôi chồn hương mắt xám sinh sản. Quyết định của chàng trai trẻ được đưa ra sau một lần tình cờ xem mô hình nuôi loài vật này trên mạng.

Tháng 4/2021, anh Sáng tìm vào tận nơi bán con giống tại tỉnh Vĩnh Long. Hai tháng sau, anh làm đơn và được nhà chức trách cấp giấy phép, mã số cơ sở nuôi các loại động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

Ban đầu, anh Sáng mua 8 con giống chồn hương với giá mỗi cặp 8 triệu đồng và đầu tư 100 triệu đồng vào việc làm chuồng trại diện tích 30m2 ngay tại nhà mình. Do chưa có kiến thức, kỹ thuật nuôi cũng như về chế độ ăn và hiểu tập tính sống của chồn hương nên anh gặp không ít khó khăn.

“Quá trình nuôi, tôi phát hiện một con bị liệt chân. Tôi học hỏi người có kinh nghiệm và sau đó khắc phục được. Điều này giúp ngăn không để tình trạng tiếp diễn với con khác. Nguyên nhân là tôi cho chúng ăn nhiều chuối”, anh Sáng nói.

Cũng từ đây, chàng thanh niên đã tìm ra cách nuôi con vật phù hợp tại địa phương mình. Theo anh Sáng, thức ăn của chồn là cá rô phi, chuối, trứng vịt lộn, thịt gà hay các loại hải sản như ghẹ, tôm tít.

Một ngày, anh cho đàn chồn ăn chính 2 lần vào buổi sáng và chiều. Còn buổi tối, mỗi con có khẩu phần một con cá rô phi, hai quả chuối.

Vấn đề khó nhất khi nuôi chồn ở Hà Tĩnh, theo anh Sáng, đó là khí hậu, vì mùa hè nóng nực, còn mùa đông lại lạnh hơn địa phương khác. Để khắc phục, giữ gìn sức khỏe cho con vật, anh Sáng lắp hệ thống phun sương để giảm nhiệt vào những ngày hè, còn mùa đông anh đóng kín cửa chuồng trại, tránh gió lạnh.

Sau khi nắm được cách thức phù hợp, Sáng mở rộng chuồng trại lên 130m2, trong đó có 45 ô chuồng, mỗi chuồng 1m2. Hiện trong trang trại của anh Sáng có 40 con chồn cá thể bố mẹ. Tổng số kinh phí anh Sáng đầu tư lên tới gần 500 triệu đồng.

Chuồng trại nuôi chồn được thiết kế đủ điều kiện để ứng phó với khí hậu địa phương.

Đổi lại, anh đã đạt được những hiệu quả lớn. Sáng cho hay nếu chăm sóc tốt, chồn có thể sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 6-8 con.

“Tôi bán con giống cho khách theo cặp, mỗi cặp 3 tháng tuổi từ 10-12 triệu đồng. Đến nay, tôi đã bán được gần 40 con và cho thu về gần 400 triệu đồng”, anh Sáng hồ hởi nói.

Trong thời gian tới, anh Sáng cho hay sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích chuồng trại.

Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Thái Sơn, Bí thư Huyện đoàn Lộc Hà cho biết, anh Trần Khắc Sáng trở về địa phương lập nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân.

Sau khi tìm hiểu một số mô hình, anh Sáng thấy rằng việc nuôi chồn phù hợp với điều kiện gia đình cũng như địa phương. Từ đó, chàng trai này đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm và đầu tư. Nắm được điều này, Huyện đoàn Lộc Hà đồng hành và hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp với gói 50 triệu đồng cho Sáng.

“Thời gian đầu, Sáng gặp khó khăn vì mô hình chăn nuôi này mới xuất hiện trên địa bàn huyện. Nhưng sau đó, Sáng mày mò tìm hiểu, thử nghiệm và đã tự nhân được giống. Hiện Sáng vừa công tác Đoàn vừa hoạt động sản xuất kinh tế mô hình thanh niên tiêu biểu. Vừa rồi, Sáng được các cơ quan, tổ chức đánh giá cao”, anh Sơn thông tin.