Anh Lại Văn Soàn (1974) ở xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam từng làm Chánh Văn phòng huyện ủy Bình Lục nhưng cơ duyên lại đưa anh đến với nghề nuôi bò bò 3B. Anh Soàn là một trong 100 nông dân tiểu biểu của cả nước được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.

Sau 23 năm làm công chức Nhà nước, anh Lại Văn Soàn, người đàn ông tuổi Giáp Dần đã “bỏ” về làm nông dân, làm giàu trên mảnh đất quê hương, thu tiền tỷ/năm.

Anh Soàn cười bảo: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình về làm nông nghiệp, gắn với nông dân, bởi từ khi sinh ra nghĩ cảnh đất đâu, tiền đâu mà làm. Thế nhưng cơ duyên đến, tôi quyết định làm và đến nay thu được nhiều thành quả”.

Anh Lại Văn Soàn được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.

Sau 23 năm công tác ở huyện ủy rồi quyết “bỏ” về nuôi bò

Từng làm Chánh Văn phòng huyện ủy Bình Lục, năm 2020, anh Soàn đột ngột xin nghỉ về làm nông dân, không ít người vẫn thắc mắc sao anh lại bỏ công việc sơ mi đóng thùng ngồi điều hòa.

Năm 1992, anh Soàn đi bộ đội, xuất ngũ năm 1998 và mang hàm Trung úy. Sau đó được phân về Huyện ủy Bình Lục làm việc. Dù làm ở huyện ủy, nhưng do đam mê nuôi trồng cũng như kinh doanh từ năm 2010 anh Soàn bắt đầu xây dựng một khu trang trại nhỏ, nuôi bò, gà, lợn….

Đây là nơi anh Soàn dành những ngày cuối tuần chăm bẵm từng con bê, con gà…. và từ đây cũng là cơ duyên để anh tiến đến nuôi bò 3B sinh sản.

“Hồi tôi làm trạng trại, thu nhập tốt lắm. Có lúc nuôi đến cả vạn con gà, tiền trứng mỗi ngày cũng thu về hàng triệu đồng. Sau đó thị trường bão hòa, dịch bệnh, việc nuôi gà thất bại, mãi năm 2014 tôi chuyển sang nuôi bò vàng.

Từ trang trại nhỏ, anh Soàn bén duyên với giống bò 3B.

Từ trang trại nhỏ đó, sau đó tôi tìm hiểu và nhân giống thành công bò 3B từ giống bò vàng, đến năm 2019 huyện phê duyệt quy hoạch cho tôi một khu đất để làm dự án nuôi bò 3B. Năm 2020 tôi quyết định nghỉ việc tại Huyện ủy”, người đàn ông tâm sư.

Anh Soàn bảo, không ít người ngăn cản, sốc khi anh về làm nông dân. Nhất là vợ. Chị nhà có khuyên, can, ngăn nhưng không thay đổi được quyết định của anh Soàn, nhiều anh em tại cơ quan còn bảo khùng hay sao mà bỏ công việc ở huyện ủy.

Bén duyên với bò 3B với nhiều khó khăn

Anh Soàn kể, những năm 2014 – 2015 anh dành thời gian đi một số tỉnh vùng núi để tìm hiểu về bò 3B. Sau đó về nhờ các kỹ thuật viên phối giống và luôn trăn trở làm sao để bò vàng đẻ ra được giống 3B.

Thế rồi sau nhiều nỗ lực, con bò vàng đẻ ra giống 3B, niềm vui như vỡ òa. Thời điểm đó, anh Soàn bảo phải đến phải nửa huyện Bình Lục đến xem hình dáng con bò 3B do con bò vàng đẻ ra như thế nào.

Thành công bước đầu, đến năm 2017 – 2018, anh Soàn tập trung tìm hiểu và nuôi bò 3B sinh sản và bò 3B vỗ béo.

Anh luôn trăn trở làm sao để bò vàng đẻ ra được giống 3B.

Đến năm 2019 khi có dự án của Huyện cho nuôi với quy mô khoảng 200 con. Thấy ít quá, anh Soàn mạnh dạn xin mở rộng nuôi lên 1000 con. Được chấp thuận, dự án được triển khai.

“Bò 3B cần lượng thức ăn thô rất nhiều, vì vậy nguồn thức ăn đầu vào luôn là trăn trở. Có thời điểm tôi đi hết các tỉnh vùng cao để tìm vùng nguyên liệu nhưng không có. May mắn sau đó, tôi thuê được diện tích 100ha ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để trồng ngô, trồng cỏ. Bên cạnh phục vụ nguồn thức ăn cho trang trại, vùng nguyên liệu này cũng sẽ cung ứng cho 50 hộ dân liên kết chăn nuôi bò. Nhờ đó khó khăn về thức ăn được giải quyết.

Để có nguồn cỏ dồi dào, anh Soàn đã thuê 100ha ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) để trồng ngô, trồng cỏ.

Tiếp đó, đến việc xử lý chất thải cho bò là điều mãi sau này tôi mới tìm ra giải pháp. Nuôi 10 con và nuôi 1000 nó khác lắm.

Trước đây, công nhân phải dọn chất thải với hình thức thu gom thủ công. Tuy nhiên, lượng phân thải ra rất lớn nên có những lúc việc thu gom chưa kịp thời gây mùi khó chịu và phát sinh các côn trùng có hại như ruồi, muỗi. Mỗi khi thu gom chất thải lại phải lùa đàn bò ra khu vực khác và vận chuyển phân thải ra chỗ riêng để xử lý nên mất rất nhiều công sức.

Trang tại của anh Soàn luôn được giữ gìn và vệ sinh sạch sẽ.

Sau đó, tôi học hỏi và từ kinh nghiệm của mình sử dụng bã bia và mùn cưa làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó giảm thiểu mùi hôi thối rõ rệt, không phải mất công sức dọn dẹp thường xuyên, đồng thời tạo nguồn phân bón hữu cơ cho diện tích trồng cỏ.

Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã giúp tôi trút được gánh nặng khi hàng ngày không phải xử lý lượng phân thải quá lớn”, nông dân xuất sắc 2022 tại Hà Nam tâm sự.

Ngoài ra, việc chăn nuôi bò tiêu thụ rất nhiều thức ăn, chi phí cám công nghiệp tốn tới 1,2 triệu đồng/con/tháng, nên anh Soàn tích cực sử dụng các nguyên liệu thay thế như rơm phơi khô, trước khi cho ăn tưới thêm rỉ mật, thức ăn ủ chua. Sau đó là việc phòng bệnh cho bò, tìm nguồn xuất…

Anh Soàn tích cực sử dụng các nguyên liệu như rơm phơi khô, trước khi cho ăn tưới thêm rỉ mật, thức ăn ủ chua.

Giải quyết từng khó khăn sau, đến nay anh Soàn nhẹ nhàng hơn trong việc chăn nuôi.

Giúp người dân trong vùng làm giàu

Để phát triển mô hình chăn của mình, đồng thời giúp đỡ nông dân quanh vùng, hiện anh Soàn liên kết trên 50 hộ nông dân. 50 hộ này chăn nuôi theo quy trình khép kín, đồng bộ với trang trại của anh.

Các chuồng được phân chia rất hợp lý, khoa học. Bò đưa về trại được nuôi chung trong một chuồng, sau đó tiêm vaccine. Tiếp đó, phân loại trọng lượng từng con để có những phương pháp vỗ béo khác nhau.

“Hiện quy trình của tôi gần như khép kín. Tôi phân phối cho bà từ giống đến việc thức ăn và khâu đầu ra. So với thị trường, tôi thường mua bò của bà con khi nào cũng hơn vài giá. Bởi nguồn cung của tôi rất nhiều, bò còn không đủ cho thị trường.

Anh Soàn cho biết giống bà 3B có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều đoàn nông nghiệp đến từ các địa phương khác nhau đã qua đây để tham quan và học tập mô hình. Hiện nay, nếu ai muốn đầu tư, hoặc làm mô hình tôi hỗ trợ hết mình. Bà con cần nhiệt huyết, làm và làm còn lại mọi thứ tôi biết đến đâu sẽ chỉ tận tình đến đấy”, anh Soàn khẳng định.

Đánh giá về chất lượng và hiệu quả kinh tế từ bò 3B, anh Soàn bảo, nếu so về giá cả trên 1kg thịt thì bò 3B không thể so với những giống bò khác, nhưng bù lại giống bò này có nhiều điểm hơn.

Đầu tiên phải nói đến giá trị của con bê con. Một con bê con giống 3B từ 3 – 5 tháng có giá trị khoảng hơn 20 triệu đồng, còn giống bò vàng thì chỉ được nửa.

Thứ hai là khả năng lấy thịt. Một con bò 3B có thể lấy khoảng 50 – 60% khối lượng thịt còn bò vàng thì chỉ được nửa. Một con bò 3B nặng từ 5 – 7 tạ cho lượng thịt rất lớn và giá trị không hề nhỏ.