Mua nhà đất nào giờ luôn là vấn đề được dư luận quan tâm hàng đầu, bởi quan niệm của người Việt mình là ‘phải an cư thì mới lạc nghiệp’.

Khác với những món hàng khác, việc mua nhà đất là chuyện hệ trọng của mỗi người bởi nó có giá trị cao và không phải ai cũng mua được. Có người phải đi làm, dành dụm và tích lũy cả đời mới gần đủ tiền để mua nhà. Cho nên khi quyết định mua nhà đất, bà con cần phải tìm hiểu kỹ. Bởi chỉ cần sơ sẩy, không chú ý, bà con dễ dàng mất trắng như tình huống em sắp kể dưới đây.

Nào giờ mọi người cứ nghe loáng thoáng qua các cụm từ ‘vi bằng’, ‘công chứng’ nghĩ nó có giá trị pháp lý và tin ngay khi giao dịch mua bán đất đai, nhà cửa. Thế nhưng, thực tế không phải vậy. Chính vì sự hiểu biết chưa thấu đáo của nhiều bà con mà một số đối tượng lợi dụng đó để ‘gài bẫy’ rồi ‘cao chạy xa bay’, còn bà con sau khi mất tiền chỉ biết ngồi khóc ròng.

Theo một bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ em đọc được, dưới đây là vài trường hợp điển hình, kể ra để bà con xem và cảnh giác nha.

Chuyện là anh L.T.T., từ Quảng Ngãi vào TP.HCM sinh sống hơn 10 năm, ở trọ tại Hóc Môn và mưu sinh bằng chiếc xe hủ tiếu gõ. Đến năm 2018, nhà anh tích góp được 600 triệu đồng. Qua lời giới thiệu của một người cò đất, anh đến dãy nhà được xây dựng với diện tích khoảng từ 15 – 25m2 và có giá vừa với túi tiền của anh. Anh T. được cò đất giải thích việc mua bán nhà đất bằng hình thức vi bằng và giấy tay khác nhau ra sao, nên anh quyết định chọn hình thức vi bằng vì cứ nghe có công chứng là yên tâm.

Nghĩ sao thì quyết định vậy, anh đến Văn phòng thừa phát lại sau đó cùng với cò đất để lập vi bằng xác lập giao dịch. Giao dịch xong, anh đón con ở quê vào ở. Vừa mừng chưa được bao lâu, bỗng ngày nọ có cặp vợ chồng đến đòi đuổi anh ra khỏi nhà với lý do đó là nhà của họ. Rồi họ đưa cả hợp đồng mua bán nhà bằng hình thức vi bằng, y chang của anh T. ra để nói đó là nhà của họ. 2 bên đã xảy ra cự cãi, xô xát và thậm chí đưa nhau ra Tòa. 3 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong khi người ký bán nhà đã bỏ trốn. Anh T. đành ngậm ngùi ôm trái đắng, chờ ngày Tòa án giải quyết xong vụ việc.

Tình huống chị B. gặp cũng tương tự, 15 năm đi làm dành dụm được 350 triệu đồng, chị định mua nhà nên hỏi vài người quen. Rồi chị được dẫn giới thiệu khu vắng vẻ, chỉ có thể đi vào bằng xe máy. Số tiền chị dành dụm được có thể mua được mảnh đất rộng khoảng 70m2. Chủ nhà chỉ đồng ý bán cho chị thông qua hình thức vi bằng và yêu cầu chị lo chi phí lập vi bằng. Thấy vậy chị cũng đồng ý. Khoảng 1 tháng sau đó, chị mượn tiền người thân xây lên căn nhà cấp 4. Khi nhà vừa xây xong, còn mới tinh cũng là lúc chị nhận được thông báo trong lô đất chị mới mua có đất nông nghiệp, không được xây nhà và phải tháo dỡ hết. Đồng thời, khu đất này thuộc diện quy hoạch nên cũng không được mua bán, chuyển nhượng gì cả.

Vừa qua, một ngân hàng ở TP.HCM cho biết họ mới xử lý nợ, khách hàng vay đã thế chấp tài sản là dãy nhà trọ ở Hóc Môn, các căn nhà này rộng khoảng 20 – 25m2 và đều đã bán đi cho khách với giá khoảng 500 – 600 triệu đồng. Khi phía ngân hàng thông báo, nhiều người ở đây tỏ ra bất ngờ, hoảng hốt. Dù thế nào họ cũng đành ngậm ngùi dọn ra khỏi nhà để ngân hàng tiến hành xử lý tài sản, thu hồi nợ. Được biết, chủ nhà hiện không còn sinh sống ở địa phương.

Nhiều người là nạn nhân của việc mua nhà đất qua vi bằng và mất tiền, trắng tay, không thể vào ở được, bức xúc chia sẻ: “Gia sản mấy mươi năm họ dành dụm chỉ còn trên giấy khi ra Tòa, còn nhà đất hiện hữu không còn. Dính đến tranh chấp với bên thứ 3 thì nguy cơ trắng tay còn cao hơn”.

Vì thu nhập thấp, nhiều người chọn nhà đất giá rẻ để mua, cộng với yếu tố dễ tin người, nghĩ mua qua vi bằng, công chứng là có giá trị pháp lý nên dễ rơi vào bẫy và mất trắng.

Thông qua những vụ việc vừa kể trên, bà con cần phải hiểu bản chất của vi bằng là gì? Nó có giá trị như thế nào để khi có kế hoạch mua nhà thì cần chú ý đề phòng trong các giao dịch với bên bán.

Theo em được biết, vi bằng là văn bản ghi nhận lại sự kiện và hành vi có thật do nhân viên Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, và cá nhân. Vi bằng được xem là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính, là căn cứ để thực hiện các giao dịch giữa các bên.

Nếu có lần xem qua vi bằng khi mua bán nhà đất thì bà con sẽ thấy, việc xác nhận cũng chỉ là ghi nhận bên mua trả tiền cho bên bán, bên bán nhận tiền. Họ không chịu trách nhiệm về tính pháp lý của căn nhà hoặc mảnh đất.

Trước đó, Sở Tư pháp TP.HCM từng có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu và không nên mua bán nhà đất qua hình thức lập vi bằng. Vì việc xác lập vi bằng này chủ yếu là ghi nhận việc giao – nhận tiền giữa các bên. Họ không có trách nhiệm chứng nhận hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất. Không chỉ vậy, cơ quan này nhắc nhở các Văn phòng Thừa phát lại phải giải thích cho khách hàng hiểu rõ quy định của pháp luật và giá trị pháp lý của vi bằng, không được cố tình lập vi bằng trong trường hợp này, gây thiệt thòi cho người dân.

Việc xác lập, ghi nhận hành vi giao – nhận tiền giữa các bên thì vi bằng chỉ có giá trị chứng minh bên này có giao và bên kia đã nhận tiền, chứ không xác nhận hay chứng nhận đối với giao dịch khác, đặc biệt là chuyển nhượng tài sản.

Thời gian qua đã có biết bao nhiêu trường hợp mất trắng vì mua nhà đất thông qua lập vi bằng, cũng có trường hợp đã bị xử lý, nhưng phải mất rất lâu sau nạn nhân mới nhận lại tiền. Do vậy, bà con cần phải hiểu rõ bản chất của vi bằng là gì để từ đó tránh bị ‘gài bẫy’, vừa mất tiền lại chẳng thể dọn vào nhà ở được.