Không có công thức chung trong việc nuôi dạy con cái, tuy nhiên các bậc cha mẹ thông thái đều dùng chung một số nguyên tắc trong cách nuôi dạy con thành tài.

1. Kiểm soát những lời chỉ trích

Không ai thích nghe những lời chỉ trích. Bạn hãy nhớ lại cảm xúc của mình khi ở trong tình huống ấy thì sẽ hiểu được sự buồn bã, ấm ức của trẻ. Điều này càng khiến trẻ khó mở lòng với cha mẹ hơn.

Hãy cố gắng kiểm soát những lời chỉ trích, thay vào đó là một thái độ nhẹ nhàng hơn. Sử dụng lời chỉ trích kết hợp với khen ngợi là một cách khá hiệu quả.

2. Cho trẻ thấy hậu quả của hành vi

Cha mẹ cần cho trẻ thấy hậu quả của những hành vi xấu thì trẻ mới nhận ra được mình đã làm sai ở đâu.

Nếu trẻ kiên quyết làm một điều gì đó sai, cha mẹ cũng không nên ngay lập tức can thiệp. Hãy cứ để trẻ thấy hậu quả phải chịu như thế nào. Tất nhiên, điều này không có nghĩa cha mẹ sẽ bỏ mặc con mà để hậu quả xảy ra trong khuôn khổ an toàn cho phép.

Chẳng hạn, khi trẻ không chịu ăn bữa trưa, cha mẹ có thể nói với chúng rằng rất có thể chúng sẽ phải nhịn đói cho đến khi ăn tối.

3. Tán dương mọi thành tựu của con

Các nhà tâm lý học hiện đại khuyên rằng cha mẹ không nên tán dương hay khen thưởng con về những điều nhỏ nhặt, có như vậy mới kích thích sự phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thông thái tin rằng, bất kỳ thành tựu nào mà con đạt được cũng cần được để tâm và tán dương. Ngay cả khi đứa trẻ chìa trước mặt người mẹ một chiếc khăn giấy với những nét vẽ nguệch ngoạc trên đó, người mẹ cũng cần nâng niu và giới thiệu với cả gia đình về “bức tranh” mà con vừa vẽ.

4. Đưa ra cho con sự lựa chọn

Đưa ra yêu cầu với trẻ là cần thiết nhưng không có nghĩa là bạn sử dụng cách áp đặt, nghiêm khắc. Hãy cho con những sự lựa chọn, điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng mà bạn vẫn có thể kiểm soát được hành vi của con.

5. Để con rút ra bài học từ sai lầm

Đôi khi việc cha mẹ bao bọc con quá mức có thể khiến trẻ mãi không thể trưởng thành. Do vậy, để trẻ được phép sai và tự sửa lỗi là điều cha mẹ nên làm thay vì can thiệp quá mức.

Ví dụ, khi trẻ không làm bài tập đúng hạn để nộp cho cô giáo, thay vì thức khuya và giúp con làm bài, cha mẹ hãy để trẻ bị điểm kém. Sau đó, trẻ sẽ tự phải tìm ra cách khắc phục tình hình như việc lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các bài tập lần sau.

6. Khuyến khích trẻ tự kiểm soát hành vi

Thay vì trừng phạt trẻ khi chúng làm gì sai, các bậc cha mẹ thông thái thường đưa ra các quy tắc mà nếu trẻ tuân theo trẻ sẽ được lợi. Theo đó trẻ sẽ tự kiểm soát hành vi của mình.

Những điều cấm và hình phạt sẽ “khoá” tư duy của trẻ, trong khi các quy tắc sẽ kích thích trẻ tìm cách tự điều chỉnh hành vi để có lợi nhất cho bản thân.

Ví dụ như thay vì buộc trẻ để phần thức ăn cho em, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tự nguyện làm điều đó bằng cách giúp trẻ hiểu rằng khi chúng cho đi chúng sẽ nhận lại được thứ khác.

7. Đưa ra những lời tư vấn

Gợi ý trẻ nói rõ vấn đề và giúp đỡ chúng trong việc ra quyết định. Hãy tư vấn cho trẻ biết rằng chúng cần phải làm gì để có thể trở nên tốt hơn. Điều này sẽ cho phép đứa trẻ cảm thấy được tôn trọng như một người lớn, cho thấy rằng bạn tin tưởng những gì chúng nói.

8. Tìm nguyên nhân dẫn đến hành vi xấu

Nhiều khi trẻ hay nổi cáu không phải vì tính khí thất thường mà đơn giản là bởi trẻ chưa biết cách đối phó với cảm xúc của mình.

Do vậy, khi trẻ bất ngờ la hét, cha mẹ có thể tìm một nơi yên tĩnh để trẻ bình tâm lại và nói cho chúng hiểu, những loại cảm xúc ấy là hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta cần phản ứng theo cách chấp nhận được. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần hướng dẫn cho con cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực trong tương lai.

Ví dụ, khi cha mẹ đi mua sắm với con, nếu đột nhiên chúng bực bội hay cáu gắt không có lý do rõ ràng thì tốt nhất cha mẹ nên đưa con ra khỏi nơi đó và tìm hiểu nguyên nhân. Đứa trẻ có thể đói, mệt hoặc chán và không kịp thích ứng được với cảm xúc của mình.