Khi trẻ làm bẩn quần áo, đôi chút lười biếng, bạn nên làm gì?
1. Làm rách và bẩn quần áo
Cách tốt nhất để một đứa trẻ khám phá thế giới bên ngoài là mặc sức đùa nghịch mà không phải bận tâm quá nhiều đến chuyện giữ gìn trang phục sạch sẽ. Thay vì liên tục trách mắng và cấm con không được làm bẩn đồ, bạn có thể chủ động phân loại trang phục của trẻ thành hai nhóm, một nhóm dành để chơi đùa thỏa thích và một nhóm dành cho các dịp quan trọng.
2. Ăn vặt
Hầu hết trẻ con đều thích ăn vặt, từ bim bim đến kẹo ngọt hay bánh rán mỡ màng. Khi cha mẹ không cho phép con ăn những thứ này, đó sẽ là một điều cấm kỵ ám ảnh trong tâm trí trẻ.
Các chuyên gia tin rằng cha mẹ thi thoảng vẫn nên cho con ăn những món kém lành mạnh mà chúng yêu thích, để con hiểu rằng chỉ nên ăn một cách chừng mực và có kiểm soát. Nếu bị cấm, trẻ có thể sẽ lén lút ăn vô tội vạ một khi có cơ hội.
3. Tiêu tiền cá nhân vào việc vô bổ
Theo một cuộc khảo sát ở Mỹ, trẻ em ngày nay thường tiêu tiền cá nhân vào việc đi chơi với bạn bè, tải các ứng dụng trên thiết bị điện tử, mua đồ chơi, quần áo, giày dép… Nhiều phụ huynh coi đây là các thú vui vô bổ và hoang phí, do đó cố gắng ngăn cản con bằng cách rao giảng hoặc thậm chí cấm đoán.
Tuy nhiên, phụ huynh nên ngừng sử dụng phương pháp dạy con này vì hai lý do. Trước hết, một khi đã cho con tiền tiêu vặt, khoản tiền đó đã trở thành tài sản của chúng. Chỉ người sở hữu nó mới có thể quyết định sẽ tiêu nó vào việc gì. Thứ hai, việc một đứa trẻ tiêu tiền một cách vô bổ và sau đó hối hận sẽ rất hữu ích. Chỉ khi trải qua điều đó, trẻ mới học được cách kiểm soát chi tiêu và phân biệt ham muốn nhất thời với nhu cầu thiết thực.
4. Thi thoảng lười biếng
Các nhà tâm lý học cho rằng trẻ em hiện đại thường xuyên đối mặt với cảm giác lo lắng và dễ bị trầm cảm hơn nhiều so với các thế hệ trước. Nguyên nhân có thể liên quan tới việc trẻ luôn phải “chạy đua” để có thể bằng bạn bằng bè, trong học tập lẫn trong cuộc sống.
Đó là lý do tại sao một đứa trẻ hiện đại đôi khi có nhu cầu được ở yên và không làm gì hết. Vào những thời điểm lịch trình của con không quá căng thẳng, bạn đừng vội lấp hết thời gian trống bằng các nhiệm vụ mới. Hãy để trẻ được thi thoảng lười biếng để cảm thấy tự do và cân bằng hơn.
5. Cúp học
Nếu thấy con đang ở trạng thái chán nản hoặc căng thẳng vì việc học, bạn có thể cho phép con được nghỉ ngơi và lắng nghe bản thân xem mình muốn gì, mình mơ trở thành người như thế nào. Thật khó để dành thời gian và tâm sức tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản như vậy khi trẻ tất bật chuyện trường lớp. Hãy nhớ rằng học lực giỏi không quan trọng bằng tinh thần và tâm lý của con khi học tập.
6. Tranh cãi với người lớn
Nếu bạn cấm con cãi người lớn, điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không phải tất cả người lớn đều tốt như nhau và không phải họ luôn đúng. Công lý không phụ thuộc vào tuổi tác của một người. Đôi khi một người lớn có thể nhầm lẫn về điều gì đó hoặc cư xử bất lịch sự, do đó trẻ cần học cách bảo vệ ý kiến riêng của mình một cách hợp lý. Tất nhiên, tranh cãi không đồng nghĩa với việc dằn dỗi và thiếu tôn trọng. Hãy làm gương cho con bằng cách luôn tranh luận lịch sự với chủ ý tích cực.
7. Chọn quần áo
Nhiều phụ huynh thường không cho phép con chọn loại quần áo mà chúng thích, thay vào đó tự mua những món đồ “an toàn”, phù hợp với sở thích của người lớn. Tuy nhiên, để con được chọn quần áo vẫn là phương án hợp lý hơn cả. Bằng cách này, trẻ sẽ dần định hình cái tôi cá nhân. Phụ huynh có thể không thích những chiếc quần jeans rách rưới, nhưng đó là lựa chọn của trẻ cho chính mình, miễn là mặc phù hợp với hoàn cảnh thì không nên cấm đoán. Hơn nữa, nếu là đồ mình tự chọn, trẻ sẽ chủ động mặc thường xuyên thay vì giấu sâu dưới đáy tủ và cáu kỉnh mỗi khi bị bắt mặc.
8. Không vâng lời
“Đứa trẻ không vâng lời” có lẽ là một cái mác thường xuyên được dùng với nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, bạn có bao giờ nghĩ rằng một đứa trẻ luôn ngoan ngoãn làm theo mọi thứ được yêu cầu sẽ không thể trở thành người tự tin và có chính kiến?
Đừng ép trẻ luôn vâng lời một cách máy móc, hãy nuôi dạy một đứa trẻ tư duy chủ động và biết cách phản kháng khi cần.