Khuyến khích con tranh luận, để con tự chọn quần áo, tạo hứng thú đọc sách… là những phương pháp hữu hiệu bạn có thể áp dụng để nuôi dạy con gái.
Tôi tên là Anastasia và tôi có 2 con gái. Tôi muốn con không chỉ phát triển thành người hạnh phúc mà còn trở thành những phụ nữ thoát khỏi định kiến “mục tiêu cuộc đời của các cô gái chỉ là kết hôn”.
Tôi đã bắt đầu tích lũy được một số kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ với độc giả.
1. Khen ngợi con gái một cách chính xác
Các chuyên gia khuyên bạn nên chú ý đến ý tưởng, kỹ năng sáng tạo và hành vi thay vì ngoại hình của con gái bạn. Không có nghĩa là không thể khen một cô gái xinh đẹp nhưng tôi chỉ làm điều này sau khi khen con những điều khác quan trọng hơn.
Khen ngợi một đứa trẻ về tài năng hoặc trí tuệ cũng không phải là lựa chọn tốt nhất. Các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên khen ngợi những nỗ lực của trẻ mà chúng đã áp dụng để hoàn thành công việc. Điều này khuyến khích trẻ phát triển và nỗ lực hơn nữa.
2. Cho phép con tranh luận với bạn
Khuyến khích con tranh luận để con nói lên suy nghĩ của mình.
“Con gái ngoan” là luôn nghe lời và không bao giờ tranh cãi với bố mẹ. Nhưng có phải lúc nào mẹ cũng đúng?
Sau khi trở thành cha mẹ, tôi hiểu có những lúc mình cũng bị nhầm lẫn. Vậy tại sao lời nói của tôi phải là lời đúng duy nhất trong gia đình?
Các chuyên gia tin rằng, một cô gái có thể tranh luận với bố mẹ sẽ làm điều tương tự với bạn cùng lớp, giáo viên và sếp tương lai.
3. Hãy để con tự chọn đồ
Tạo sự tự chủ con cho các cô gái bằng việc khuyến khích con đưa ra các quyết định từ những việc nhỏ nhất.
Điều quan trọng là con có thể đưa ra những lựa chọn nhanh chóng trong thế giới hiện đại. Nhiều người cảm thấy khó khăn khi làm điều này vì họ không được dạy nó từ khi còn nhỏ.
Tôi cố gắng cho con gái mình cơ hội tự chọn đồ bất cứ khi nào có thể. Khi được khoảng 2 tuổi, con có thể quyết định mình muốn mua đồ chơi nào, muốn mặc màu gì và ăn gì cho bữa sáng.
4. Khuyến khích sở thích của con
Tôi muốn con gái của mình có một số sở thích như khiêu vũ, đấu vật tự do, chơi trong ban nhạc, vẽ, nghiên cứu vật lý hạt nhân…
Rachel Simmons, tác giả của cuốn sách Odd girl out, cho biết: “Tham gia vào hoạt động yêu thích sẽ mang lại cho con cơ hội để làm chủ những thử thách.
Điều này sẽ thúc đẩy lòng tự trọng và khả năng phục hồi của con và khẳng định giá trị nội tại hơn là vẻ bề ngoài”. Rachel Simmons nói thêm: “Ví dụ, có một niềm đam mê, con có thể chơi nhạc cụ, múa thay vì bị cuốn vào những bộ phim truyền hình”.
5. Khuyến khích con tự giải quyết các vấn đề
Tôi muốn bảo vệ con mình khỏi các vấn đề, nhưng tôi phải suy nghĩ lại. Để một đứa trẻ tự đương đầu với các tình huống khó khăn không chỉ là luyện tập cho các tình huống khi trẻ lớn lên mà còn dạy chúng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Cha mẹ quá bao bọc sẽ dẫn đến việc tạo ra một thế hệ không có khả năng chịu trách nhiệm. Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng dọn đường cho con cái để chúng không bao giờ phải đối mặt với bất kỳ khó khăn nào. Điều đáng sợ nhất là những đứa trẻ nhận thức rõ và trông chờ vào nó.
6. Dạy con chấp nhận rủi ro
Dạy con bước ra khỏi vùng an toàn.
Đây là một điều khó khăn khác của các phụ huynh. JoAnn Deak, Tiến sĩ, tác giả của cuốn Girls will be girls, nói: “Những cô gái tránh rủi ro có lòng tự trọng kém hơn những cô gái có thể và đương đầu với thử thách.
Bạn hãy thúc giục con gái của bạn vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Ví dụ, với một cô gái sợ hãi việc đạp xe xuống dốc, bạn hãy tìm một ngọn đồi nhỏ để con chinh phục trước”.
Thoạt nghe có vẻ hơi sợ. Nhưng nó sẽ cho hiệu quả tốt. Trẻ không biết cách chấp nhận rủi ro khi trưởng thành, điều đó có nghĩa là con sẽ khó thành công hơn.
7. Khuyến khích con đọc sách
Các chuyên gia khuyên bạn nên tham gia vào việc đọc sách chủ động cùng con. Ví dụ, bạn có thể đề nghị con gái tự đọc một số đoạn hoặc hỏi con gái, theo ý kiến của con, cốt truyện sẽ diễn ra như thế nào? hoặc con sẽ làm gì nếu là nhân vật chính?