Nếu thường xuyên nói 6 câu dưới đây, lâu dần, mối QH giữa cha mẹ và con cái sẽ bị rạn nứt. Đứa trẻ sẽ phải chịu nhiều tổn thương về tinh thần.
2 nhà giáo dục, tâm lý học William Stixrud và Ned Johnso đã chia sẻ trong cuốn “Cách trò chuyện với trẻ em để xây dựng động lực, giải quyết áp lực và ngôi nhà hạnh phúc”, phụ huynh luôn muốn trao đổi thân thiện, gần gũi với con, song, một số câu nói vô tình sẽ phá vỡ những cuộc trò chuyện.
Dưới đây là 6 lời cha mẹ khôn ngoan không nên sử dụng khi giao tiếp con cái, nhất là khi muốn rèn cho chúng tính tự lập, sự tự tin.
1. “Anh/Chị/Em/Bạn ấy… tốt hơn con”
So sánh con mình với “con nhà người ta” là hành động của nhiều phụ huynh. Cha mẹ cứ nghĩ, con sẽ lấy người đó làm gương và tốt lên. Nhưng sự thật lại không như vậy. Thực chất nó chỉ thể hiện sự ghen tị, kỳ vọng của cha mẹ mà thôi.
Thường xuyên so sánh con với con nhà người ta, cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, coi thường. Trẻ sẽ mất sự tự tin, chúng sẽ coi bản thân là kẻ yếu kém. Từ đó tiềm năng của con không được phát triển. Thậm chí mối QH giữa cha mẹ và con cái xấu đi. Trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ không thương mình mà chỉ muốn có được con nhà người ta. Việc chỉ so sánh con cái mà không chỉ ra cho chúng những bài học cần làm sẽ khiến con mất phương hướng phát triển.
Lớn lên, con sẽ lại theo vết xe đổ của cha mẹ, chạy theo thành tích, nhồi nhét con học để bằng bạn bằng bè… Những đứa trẻ kém hơn thì có thể ngày càng sống khép kín. Đôi khi chúng sẽ dễ sinh lòng đố kị, ghen ghét người khác.
2. “Nếu không học hoặc làm việc chăm chỉ, con sẽ hối hận cả đời”
Hai tác giả William Stixrud và Ned Johnson khẳng định, câu nói này chỉ khơi dậy nỗi sợ hãi chứ rất kém hiệu quả trong việc kích thích động lực bên trong của con. Thậm chí nó còn gây ra áp lực cho trẻ khiến chúng dần tránh né những lời khuyên của cha mẹ.
Ngoài ra, người lớn đang vẽ ra một viễn cảnh khá xa, nằm ngoài tầm hiểu biết của trẻ. Chính vì thế việc giáo dục sẽ không đạt hiệu quả. Thay vào đó, cha mẹ hãy cho con thấy hậu quả trước mắt để trẻ nhìn thấy được và rút kinh nghiệm. Ví dụ nếu con không chịu quét nhà, nhà sẽ rất bẩn; con không chịu học phép tính này con sẽ không biết tính toán…
3. “Con là đứa vô dụng”/ “Con là một sai lầm”
Không ít trường hợp, khi trẻ làm sai hoặc không làm hoàn chỉnh một việc gì đó để giúp bố mẹ, phụ huynh sẽ mất bình tĩnh và dễ dàng nói với con rằng “Con thật là ngu ngốc”, “con là đứa vô dụng”, “tao thật sai lầm khi sinh ra mày”,…
Trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, dần dần tự ti, mặc cảm vào bản thân và cho rằng mình là người kém cỏi. Câu nói này cũng khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa hơn. Chúng không muốn chia sẻ, càng không muốn cố gắng để thay đổi vì “đằng nào trong mắt cha, mẹ, mình cũng không làm gì nên hồn”.
Đừng bao giờ nói với con rằng con là ngoài ý muốn hay chỉ là một sai lầm, dù có là nói đùa. Điều đó sẽ khiến con bạn cảm thấy bị bỏ rơi và con sẽ dần xa cách cha mẹ.
4. “Cấm được cãi”
Nhiều phụ huynh luôn sử dụng quyền cha mẹ và cấm đoán con không được cãi, hay tranh luận khi người lớn dạy bảo. Bởi phụ huynh cho rằng, con cãi lời cha mẹ là hư.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định câu nói này chỉ khiến trẻ thêm ức chế, bực bội vì không được tôn trọng, lắng nghe. Thay vì nạt nộ trẻ, hãy để chúng được nói ra suy nghĩ của mình. Có như vậy con sẽ dễ bình tĩnh hơn. Cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn từ đó sẽ tìm ra được cách giải quyết thích hợp. Sau khi nghe con nói, hãy để trẻ bình tĩnh và phân tích đúng sai. Con sẽ nhận thức được hành vi của mình đang ở mức độ nào và sẽ rút kinh nghiệm.
5. “Suốt ngày dán mắt vào điện thoại”
Đây là câu nói cửa miệng của rất nhiều ông bố bà mẹ. Tuy nhiên trẻ có thói quen xấu này là do người lớn. Trước khi trách con cha mẹ phải kiểm điểm lại bản thân. Chúng ta quá bận rộn, lười chăm sóc con cái nên đã “ném” điện thoại, máy tính bảng… để chúng thay bạn thành “bảo mẫu” trông con. Cha mẹ xao nhãng con cái, không dành thời gian chất lượng bên trẻ. Ấy vậy mà sau cùng lại chỉ trích và mắng con. Trách con nghiện thiết bị điện tử nhưng chính phụ huynh cũng thường xuyên bỏ mặc con với máy tính bảng, điện thoại, vùi đầu vào công việc.
Phụ huynh không nên nói suông, đổ lỗi toàn bộ cho trẻ, hãy hành động ngay khi thấy con đang nghiện điện thoại. Chúng ta có thể hỏi về những trò chơi con đang đam mê, kéo trẻ ra khỏi màn hình bằng nhiều hoạt động làm việc nhà, nấu ăn, đọc sách, vui chơi cùng nhau.
6. “Đừng chơi với thằng bé/con bé đấy”
Tình bạn là 1 thành phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Do đó việc nói xấu bạn bè của con sẽ khiến chúng cảm thấy cha mẹ thật độc đoán, nghiêm khắc.
Cha mẹ hãy kiên nhẫn và nói chuyện với con một cách lịch sự. Nếu người bạn kia thực sự xấu tính, hãy dạy con cách tránh những hành động xấu đó, thay vì 1 mực bắt con nghỉ chơi với người bạn.