Chính chị Lã Hà nhận định, dạy con khó lắm. Nhưng qua năm tháng, bằng sự kiên nhẫn của chính mình, thành tích học tập của hai cô con gái chính là “trái ngọt” trời ban dành cho hai vợ chồng chị.
“Thực ra, khi truyền thông đưa tin về hai cô con gái đỗ Harvard, rất nhiều người đã gọi điện hỏi vợ chồng tôi bí quyết. Thậm chí, có bố mẹ đưa cả con đến phòng khám, đăng kí khám bệnh chỉ để gặp hỏi tôi dạy con thế nào. Thật sự có rất nhiều phương pháp, quan niệm về dạy con. Ví dụ như Amy Chua, bà mẹ có 2 con gái cũng học ở Harvard nổi tiếng với cuốn sách “Khúc chiến ca của mẹ Hổ” theo trường phái giáo dục nghiêm khắc. Còn tôi thì quan niệm làm gương để con học theo và khuyến khích các con phát triển tự nhiên…”.
Với nụ cười đặc trưng, chị Lã Thanh Hà, hiện là bác sĩ, đồng thời là giảng viên, trưởng khoa Da liễu Học viện Y dược chẳng giấu diếm được niềm tự hào khi kể về hai cô con gái đáng yêu, giỏi giang Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh. Hẹn gặp chị vào một buổi trưa nắng gắt ở Hà Nội nhưng năng lượng tích cực toát ra từ phía chị khiến người đối diện cảm thấy thật thoải mái.
Chị nói, chị thích trở thành mẫu người phụ nữ hiện đại và bận rộn. Ngoài công việc giảng dạy cho sinh viên, khám chữa bệnh da liễu tại bệnh viện và chăm lo cho phòng khám tư, chị đồng thời gấp rút hoàn thành đề tài đang học tập, nghiên cứu. Với chị, học tập là một niềm vui và bởi vậy, tinh thần học tập ấy cũng đã truyền tải tới hai cô con gái.
Với anh Tôn Đức Thế và chị Lã Thanh Hà, quả nhiên hai cô con gái là niềm tự hào vô bờ bến. Đầu năm 2012, cô con gái cả Tôn Hà Anh nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Harvard, bên cạnh học bổng toàn phần của các đại học hàng đầu Mỹ như Princeton, Columbia, Brown và Wellesley College. 6 năm sau, cô con gái thứ hai Tôn Hiền Anh – cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam – cũng nhận học bổng toàn phần của ngôi trường danh giá này.
Vài tháng trước, khi dịch Covid-19 bùng lên ở Mỹ, vợ chồng chị Hà cũng gấp rút, “chạy đôn chạy đáo”, lo lắng đăng ký vé để hai cô con gái trở về Việt Nam. Nhưng chẳng có cô nào về cả, thậm chí, Hiền Anh còn nhắn nhủ mẹ nhường vé cho bạn cần kíp hơn. Chị Hà xúc động lắm, chị còn đọc một tin nhắn khác của Hiền Anh: “Thời buổi đang khó khăn. Quần áo ở nhà của con còn nhiều. Mẹ mang đi từ thiện giúp con nhé”.
Xuất thân từ gia đình trí thức gốc Hà Nội, nhưng bản thân chị Hà lại thiệt thòi, vốn học giỏi nhưng do điều kiện gia đình mà không được vào đại học. Từ một cô gái ít nói, khá lầm lì trong mắt các bạn, chị Hà không chịu khuất phục và cuối cùng đã được thỏa sức thực hiện nguyện vọng ấp ủ khi còn ấu thơ. Hình ảnh người cha mặc áo blouse trắng và đeo ống nghe đã luôn in sâu vào tâm trí chị. Chị đã tốt nghiệp đại học Y với thành tích thủ khoa đầu vào và đứng đầu khóa đầu ra.
Có hai cô gái vàng, chị Hà hiểu rõ những nỗ lực cũng như vất vả của các con hơn bao giờ hết. Để có được những thành quả như bây giờ, chị Hà biết giáo dục một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và cách ứng xử của bố mẹ.
Chị Hà luôn quan niệm: “Chẳng có ai sinh ra là dốt cả, miễn là bố mẹ đừng quá tạo áp lực cho đứa trẻ. Hãy cứ để con phát triển tự nhiên, luôn ủng hộ nó và động viên con đi theo năng khiếu. Có lần, con tôi bảo con làm gì mẹ cũng ủng hộ đúng không. Vậy con đi sơn tường mẹ có ủng hộ không. Tôi trả lời thẳng thắn, con ơi làm thợ sơn cũng không dễ đâu nhé. Con làm gì cũng được, mẹ luôn đứng phía sau hậu thuẫn vì xã hội này đa ngành nghề. Và tất cả các ngành nghề đều hỗ trợ nhau, nghề gì cũng đáng tôn trọng cả.”
Bản thân chị Hà cũng phân biệt rạch ròi việc chơi và việc học của con. Những mùa hè học tiểu học, các con được tự do chơi, tự do học, chị chẳng để ý nhiều. Thậm chí, trời mưa quá, rét quá hay con ốm, chị cũng thoải mái xin phép cho con ở nhà đọc sách, tự học. Nhưng lên đến cấp 2, đa số thời gian chị có ngoài lề công việc, chị đều dành để học cùng con.
Các con là tấm gương phản chiếu của bố mẹ. Yếu tố gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển của trẻ nhỏ, bố mẹ ngồi đọc sách thì không có cớ gì mà con cái sẽ ngồi xem ti vi, điện thoại cả. Hy sinh vì con, chị Hà nói mười mấy năm trời chị chẳng xem trọn một bộ phim.
Chị kể, ngày còn bé, cứ tan học là ra chọn sách, có bao nhiêu tiền mẹ cho ăn sáng chị đều dành bấy nhiêu để mua sách. Với chị Hà, chọn sách là một nghệ thuật. Chị định hướng con đọc văn học và những cuốn sách mang tính nhân văn nhiều, bởi chị nghĩ đơn giản rằng những cuốn sách kinh điển ấy được viết ra là người ta đã chắt lọc tất cả những tinh hoa rồi. Thế nên, ở nhà chị có sẵn một tủ sách, phần nhiều là sách văn học châu Âu như “Những người khốn khổ”, “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”, “Hội chợ phù hoa”, “Không gia đình,” “Những tấm lòng cao cả”.
Bên cạnh đó, là các sách về kinh tế, khoa học như “Đắc nhân tâm,” “Nghệ thuật quản lý” và tài liệu y khoa… Mẹ đọc gì, con đọc nấy; con không hiểu, mẹ kiên nhẫn giải thích nên con cố đọc rồi tự ngẫm, tự hiểu.
Hai chị em Hà Anh, Hiền Anh thi nhau đọc sách. Chị gái là tấm gương nên em nhỏ cũng “bắt chước” mang sách ra đọc theo. Chị Hà kể nhiều khi Hà Anh chăm chú đọc sách quá đến nỗi ngủ gật trên bàn, Hiền Anh nhìn thấy thế “thèm lắm” bởi cô bé nói rằng “đọc mãi mà chẳng ngủ gật được như chị Hà Anh cả”. Đến khi Hiền Anh cũng đọc khuya tới ngủ trên bàn, chị thấy mặt con dù xanh tái nhưng không giấu nổi nét mừng vui, nghĩ mà thương con!
Đến bây giờ, gia đình vẫn giữ thói quen đọc sách cùng nhau. Hai chị em thường xuyên đọc thêm và dịch các nghiên cứu mới trong da liễu cho mẹ.
“Sống nhờ giao tiếp xã hội, sống nhờ môi trường gia đình và sống nhờ rất nhiều vào đọc sách. Sách như thế nào lại vô cùng quan trọng. Có những thứ mình mất rất nhiều thời gian để đọc, để nghiền ngẫm. Ngôn từ phải xuất phát từ những gì mình tích lũy và muốn tích lũy phải đọc sách; không đọc sách thì đừng hi vọng có ngôn từ phong phú để diễn tả, hay giao tiếp, để nói và để viết hay”, chị không ngại chia sẻ.
Chị Hà cho rằng đây là một phẩm chất cần thiết nên có ở bố mẹ.
“Mình nên kiên trì giải thích cho con cái, bởi mấy đứa nhỏ rất háo hức, trông chờ vào bố mẹ giải thích đúng – sai, phải – trái. Mà nhiều khi, mình bận quá, đành giải thích qua loa hoặc làm lơ, bỏ qua thắc mắc của con. Tôi thường dành thời gian giải thích cặn kẽ cho con, hỏi “Tại sao con làm như thế”, còn nếu làm thế thì hỏi con xem sai chỗ nào, đúng chỗ nào để con suy nghĩ kĩ hơn. Nếu bố mẹ bận, mặc định tụi trẻ sẽ suy nghĩ theo cách của nó, không phân biệt được đúng sai đâu. Bố mẹ phải bỏ công nuôi con, chứ không phải là tiền, phải là bạn bè của con, đưa con những phương án để con tự lựa chọn (trong kiểm soát).”
Nhiều hôm anh Thế đi công tác về nửa đêm, vẫn thấy phòng Hiền Anh sáng đèn. Chị Hà bảo anh toàn mắng chị vì không quan tâm đến con. Nhiều gia đình ép buộc con phải ngồi vào bàn học đúng giờ, còn chị phải đặt đồng hồ để đêm tỉnh dậy “bắt quả tang” cô con gái vẫn còn ngồi học. Bởi hai vợ chồng đặt sức khoẻ của con gái lên hàng đầu nên muốn con học vừa sức mình mà thôi. Chị cười bảo, chị có hai cô con gái “nghiện” học.
Kể về Hiền Anh, chị bảo khi cô con gái út chuẩn bị cho kỳ thi SAT, hai anh chị đành “bất lực” chờ con ngoài phòng. Chị lắc đầu, “chịu thôi, nó chốt cửa trong không cho ai vào, còn làm hẳn tờ giấy dán cửa: Không nhiệm vụ miễn vào. Trước đấy, con bé cũng ra nhắc nhở là con cần tập trung làm đề thi, ba mẹ đừng làm phiền con nhé”.
Hai cô con gái đều học trường công và chị không hề ép con đi học thêm vì bản thân chị Hà thấy kiến thức ở trường dạy con đã vô cùng phong phú. Tuy nhiên, để đạt học bổng Mỹ, chị cũng ủng hộ các con học thêm các môn học để thi theo quy định kỳ thi chuẩn của Mỹ để đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Chị Hà luôn cố gắng lồng ghép những bài học vào các câu chuyện cuộc sống thực tế. Chị nhớ ngày Hà Anh 2 tuổi, giữa trưa hè cháy bỏng da, thấy con xoè tay khoe có quả cam. Mẹ hỏi con lấy cam ở đâu thì cô bé Hà Anh nói lấy ở chỗ bác bán cam đằng kia trong lúc mẹ đang bận rộn mua đồ trong chợ.
Chị vẫn còn nhớ rõ: “Con bé cứ đòi lấy quả cam này, mình giải thích là quả cam này chưa được mua nên con cần phải trả lại. Để trồng một quả cam, bác nông dân cần bỏ rất nhiều công sức, thời gian, rồi mình mô tả cho con nghe phải xới đất, tưới nước ra sao, vất vả, đổ mồ hôi thế nào, chờ mãi mới ra đượcquả cam đi bán, sau đó lấy tiền mua gạo nuôi gia đình.
Vậy nên nếu con muốn có quả cam, con phải lấy tiền ra mua. Nhưng nó bảo con không có tiền, mình bảo muốn có tiền thì phải đi học thật giỏi, rồi đi làm, làm tốt việc của mình, như mẹ là phải khám tốt cho bệnh nhân, sau đó mới có tiền.
Từ đấy, con bé rất trân trọng công sức lao động. Tôi luôn dạy con trân trọng từ bác bơm xe đến bác bán cam, bà bán rau… Thay vì mình đi tận chợ Đồng Xuân mua đồ, người ta đã lên lấy giúp mình, bán lại với cái giá hơi chênh một chút coi như là tiền công. Hay một vấn đề nhỏ nữa là, một mớ rau không đáng bao nhiêu tiền, cùng một số tiền ấy nếu mặc cả, mình có thể mua 2 mớ nhưng không mặc cả mình chỉ có thể mua 1. Người ta xứng đáng được hưởng số tiền ấy. Những công việc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt đều là những công việc đáng trân trọng. Bất kì ai lao động thật sự trong xã hội đều xứng đáng nhận được tình yêu thương.”
Cô con gái đầu Tôn Hà Anh, hiện là cố vấn cấp cao công ty tư vấn quản lý quốc tế McKinsey, New York. Còn Hiền Anh, “một ngòi bút mạnh mẽ, chính trực”, luôn được các giáo sư Harvard nhận định có tài viết luận và có khả năng nghiên cứu. Học kỳ vừa qua, cô bạn là một trong những sinh viên đứng đầu lớp.
Vợ chồng anh Thế chị Hà chỉ luôn mong hai con có sức khoẻ để làm được những việc có ích cho xã hội. Với riêng chị Hà, bí quyết dạy con của chị chẳng có bí quyết gì nhiều, bởi tấm gương bố mẹ chính là cách dạy con tốt nhất rồi. Và đặc biệt, không nên ép con phải theo khuôn khổ nào bởi khi lớn lên, nếu không có đam mê, không yêu nghề thì đừng mong con giỏi ở bất cứ lĩnh vực nào.