“Mỗi khoảnh khắc, khi bạn nhìn thấy con của bạn, cũng chính là lúc bạn nhìn lại bản thân mình. Quá trình bạn giáo dục con, cũng chính là đang giáo dục chính mình, và kiểm tra tính cách của chính mình”, nhà giáo dục vĩ đại Sukhomlinsky đã từng nói.

Con cái từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, mẹ là người bên cạnh chúng lâu nhất, ảnh hưởng đối với con cái cũng lớn nhất. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người mẹ ưu tú, xuất sắc sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, tính cách phẩm chất tốt, tương lai cũng sẽ rất hiếu thuận đối với cha mẹ.

Nếu người mẹ có 4 phẩm chất dưới đây, con trẻ sẽ dễ trở nên xuất sắc:

1. Một người mẹ có tâm trạng tốt, đó chính là màu nền hạnh phúc của gia đình

Những năm tháng đầu đời, cha mẹ cần thiết lập mối QH gắn bó tốt đẹp với con cái, điều này liên quan đến cảm giác an toàn của trẻ sau này.

Nếu người mẹ có cảm xúc không ổn định, từ đó mà thường xuyên đánh đập, la mắng, đe dọa và phàn nàn về trẻ, thì cảm giác an toàn bên trong của chúng sẽ bị phá hủy, dần dần, trẻ sẽ hình thành thói quen nhìn vào sắc mặt của người khác mà làm các việc. Cuối cùng sẽ tạo nên tính cách nhát gan, tự ti, không dám sống đúng với tính cách của chính mình.

Trẻ con rất giỏi trong việc mô phỏng lại cảm xúc cũng như hành vi của người mẹ. Nếu cảm xúc của người mẹ thường lo âu, bất an hoặc không dễ kiềm chế cảm xúc của chính mình, tính cách của con họ cũng sẽ rất bất ổn định.

Tâm trạng của mẹ quyết định bầu không khí gia đình, quyết định sự “ấm nóng, lạnh lẽo” và mức sống hạnh phúc của một gia đình.

Chúng ta thường thấy, đa sỗ trẻ nhỏ đều thích xem phim hoạt hình heo Peppa, không chỉ vì sự dễ thương của Peppa và Georfe, mà còn bởi sự ấm áp, lạc quan của mẹ Heo cũng như sự vui vẻ, hòa thuận của cả gia đình.

Cho dù Peppa và Georfe có nghịch ngợm đến đâu,… thì mẹ Heo lúc nào cũng giữ một thái độ vui vẻ như làn gió xuân, không hề tức giận, hơn nữa, mẹ Heo còn thường xuyên mang đến cho lũ trẻ tiếng cười hạnh phúc, thoải mái.

Bởi vậy có thể nói rằng: Cảm xúc tốt của người mẹ, đó chính là màu nền hạnh phúc của cả gia đình!

2. Muốn con cái thay đổi, trước hết phải thay đổi chính mình

Tôi thường gặp rất nhiều những bà mẹ như thế này: Họ luôn cảm thấy lo lắng, sốt ruột muốn con cái của mình thay đổi theo ý muốn của họ, họ muốn con thích đọc sách, muốn con học giỏi tiếng Anh, muốn con thông thạo đàn Piano giống như “con nhà người ta”,…

Nhưng có một sự thật rằng, con trẻ càng lớn lên, mối QH với cha mẹ ngày càng có “khoảng cách”, chúng không những không nghe lời, mà còn không thích học, ngày càng trở nên ngang bướng, nổi loạn. Đây cũng chính là khó khăn và thách thức đối với mỗi bậc cha mẹ, điều này cũng khiến họ trở nên nôn nóng, muốn thay đổi con cái theo mong muốn của mình.

Nhưng, việc cha mẹ dạy dỗ con cái phải thay đổi theo ý muốn của mình, hiệu quả có thực sự tốt?

Nếu muốn đề cao chất lượng giáo dục gia đình, cha mẹ trước tiên phải thay đổi chính mình, hoàn thiện chính mình đầu tiên. Bởi, không có phụ huynh thông thái, sao có thể mong con mình hiểu chuyện, ngoan ngoãn?

Xung quanh chúng ta có rất nhiều những ví dụ điển hình như vậy.

Khi kết quả thi Đại học của cháu tôi – Tiểu Diệp được công bố, cháu thi đỗ vào một ngôi trường hạng 3, mẹ cháu nhìn thấy ai cũng phàn nàn: “Không có thành tựu, không có sự nhẫn nại, không nỗ lực cố gắng, sau này có thể làm nên việc gì nên hồn?”. Tiểu Diệp lúc đó trong tâm cảm thấy vô cùng bực dọc và tức tối, con bé nói một cách phẫn nộ: “Con là con của mẹ, chẳng phải là học từ mẹ hết sao?”.

Có rất nhiều bậc cha mẹ, một khi có thời gian rảnh liền “dán mắt” vào điện thoại, con trẻ tự nhiên sẽ tò mò: Trong điện thoại có thứ gì đó bí ẩn đúng không? Sức hấp dẫn của điện thoại lớn đến như vậy sao? Dần dần, chúng cũng chìm đắm vào thói quen đó, giống như cha mẹ của chúng, lơ là việc học hành, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tính cách ngày một trở nên khép kín.

Cha mẹ luôn oán trách, phàn nàn, thích cáu giận, đứa con của họ cũng vậy, chúng nhất định sẽ không thể dùng thái độ lạc quan khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.

Cha mẹ là hình mẫu của con cái, và con cái chính là hình bóng của cha mẹ. Bởi vậy, nếu muốn gia đình hạnh phúc, con cháu tài giỏi, xuất sắc, đầu tiên cha mẹ cần phải thay đổi quan niệm sống, thiết lập nền tảng lâu dài và kiên trì tạo dựng nên những thói quen lành mạnh, nề nếp gia đình đúng đắn: Ngủ sớm dậy sớm, đọc sách nhiều, suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, tôn trọng lễ nghi, cùng con trở thành một công dân văn minh trong thời hiện đại,…

3. Hãy luôn là nguồn động lực, điểm tựa tinh thần vững chắc cho con

Làm một người mẹ thông thái, đôi khi hãy cố tỏ ra vẻ “mềm yếu”, nhu mỳ một chút. Một người mẹ quá tài giỏi và luôn tỏ ra quá mạnh mẽ, sẽ rất dễ khiến con của họ không thể tìm được đúng giá trị đích thực của bản thân mình.

Chúng ta thường nghe cha mẹ nói câu: “Cha/mẹ làm như vậy cũng chỉ muốn tốt cho con mà thôi”, nhưng ý nghĩa phía sau thực sự là: “Con phải nghe lời của bố mẹ”, hoàn toàn không hề tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con, không cho con quyền tự lựa chọn, quyết định.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ sẽ quen thói ngồi dựa dẫm, ỷ lại vào người khác, cuối cùng sẽ dưỡng thành tính cách nhát gan, dần mất đi khả năng tự lập.

Đáng sợ hơn là, sau khi những đứa trẻ này trưởng thành, những người mẹ được coi là quá mạnh mẽ đó sẽ cảm thán trong sự hối hận: “Rốt cuộc, mình đã tạo nên nghiệp gì mà sinh ra một ‘phế vật’ như thế này!”

4. Có quy tắc

Thiết lập những quy tắc với con là rất quan trọng. Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa bạn bè và cha mẹ. Điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể là một người bạn của con, nhưng chắc chắn chúng phải tôn trọng và lắng nghe các quy tắc và mong muốn của bạn. Hãy chú ý để thiết lập và duy trì một số quy tắc.

Các mẹ ơi, đôi khi hãy học cách “ngốc nghếch” đúng lúc, chậm lại đúng lúc, hòa hoãn đúng lúc, lùi lại một bước,… để dành cho con một không gian riêng, tự do khám phá và phát huy hết tài năng của mình. Từ đó, chúng sẽ từng bước, từng bước một hướng đến sự tự tin, trưởng thành một cách độc lập!

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ đôi khi có thể tỏ ra “mềm yếu” đúng lúc: Ví như, sau khi đi siêu thị cùng con, hãy gợi ý trẻ tham gia một tay để phụ xách đồ cùng, hoặc khi cha mẹ ốm, hãy gợi ý trẻ giúp đỡ, mang nước hoặc thuốc đến cho cha mẹ,… những hành động nhỏ này sẽ giúp chúng dần hiểu được trách nhiệm cũng là cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân mình, khiến trẻ ngày một tự tin hơn.

Một đứa trẻ ngoan ngoãn, xuất sắc không thể tách rời sự tinh tế của người mẹ. Đặc biệt trong giai đoạn trẻ còn nhỏ, đó là giai đoạn quan trọng để phát triển năng lực và thói quen về mọi mặt, cách giáo dục con của mẹ lúc này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Sự đánh giá cao và khen ngợi của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy hài lòng và tự tin, nếu cha mẹ không chú ý và tạo cho trẻ không gian tự do phát triển, thể hiện thực lực của mình, trẻ sẽ dễ nghi ngờ về tài năng cũng như thiếu tự tin về bản thân.

Các bậc làm cha, làm mẹ, hãy trở thành những nhà giáo dục con thông thái. Hãy luôn nhắc nhở bản thân: Kiểm soát tốt tâm trạng của mình, không ngừng hoàn thiện bản thân và hãy luôn là nguồn động lực cổ vũ tinh thần lớn nhất cho con!