Đây là những kiểu cha mẹ đang vô tình làm hại cuộc đời con
1. Làm giúp con mọi việc
Không ít phụ huynh vì yêu thương, muốn bao bọc con nên sẵn sàng làm giúp con mọi việc, thậm chí từ những việc nhỏ nhất. Trong mắt họ, con vẫn mãi là đứa trẻ bé bỏng, cần được hỗ trợ tối đa. Chẳng hạn như họ không để con làm việc nhà, không cho con thực hiện những công việc trong khả năng.
Những cha mẹ này có thói quen điều phối, kiểm soát mọi hành động của trẻ. Dần dần, trẻ mất dần tính tự lập, ỷ lại, thiếu tự tin khi không có cha mẹ bên cạnh. Trong đầu trẻ luôn có suy nghĩ: Mọi việc sẽ có cha mẹ đứng ra gánh vác. Vì thế, trẻ không chịu tư duy giải quyết vấn đề.
Nếu không muốn con trở thành đứa trẻ như vậy, cha mẹ nên cho con không gian để tìm tòi, khám phá mọi thứ. Thay vì kiểm soát, người lớn có thể hỗ trợ, hướng dẫn trẻ thực hiện các hoạt động và khám phá kỹ năng mới.
2. Cha mẹ tằn tiện, thích than nghèo kể khổ
Những gia đình quá tằn tiện cũng dễ khiến đứa trẻ trở nên mặc cảm do sống trong môi trường độc hại. Tiết kiệm là một thói quen tốt nhưng nếu tiết kiệm đến mức tằn tiện là điều không nên.
Nhiều bậc cha mẹ thường nhấn mạnh quá mức về điều kiện gia đình nghèo khó trước mặt con. Chẳng hạn như: “Con đừng đua đòi theo bạn, nhà mình không có tiền đâu”, “Món đồ đó rất đắt tiền, cha mẹ không thể đáp ứng cho con”,…
Nhiều phụ huynh luôn nhắc đến sự khó khăn theo thói quen. Họ nhắc nhở con về gia cảnh nghèo nàn, thấp kém như một câu cửa miệng. Lâu dài điều đó khiến đứa trẻ mặc cảm, tự ti và nghĩ rằng mình không xứng đáng có được những điều tốt đẹp.
3. Thường xuyên quát mắng con trước mặt người ngoài
Hay quát mắng con trước mặt người ngoài là một trong những hành vi khiến trẻ ngày càng tự ti. Như các cha mẹ cũng biết, đứa trẻ rất dễ tổn thương, tâm hồn vô cùng nhạy cảm nếu bị quát mắng trước mặt người thân, bạn bè. Ngay cả khi muốn biện hộ những sai lầm, trẻ cũng chẳng dám giải thích vì sợ vẻ mặt giận dữ của cha mẹ. Ngoài quát mắng, việc cha mẹ so sánh trẻ với những đứa trẻ khác cũng khiến trẻ ngày càng tự ti.
Việc cha mẹ chỉ ra khuyết điểm của con trước mặt người khác khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, không có quyền phát ngôn. Dần dần, trẻ có thể xa lánh cha mẹ. Ngay cả khi có vấn đề cần chia sẻ, trẻ cũng không chủ động nói ra và luôn cảm thấy mình là người dư thừa trong gia đình.
4. Cha mẹ thiếu tự tin
Để nuôi dưỡng sự tự tin, lòng tự trọng cho con, cha mẹ cũng cần thể hiện điều đó ở chính bản thân mình. Trẻ em tiếp thu mọi lời nói và hành động từ cha mẹ. Vì vậy, thay vì tự ti, phụ huynh nên nói những điều tích cực về bản thân, thực hành các hành vi kiểu mẫu thể hiện bản lĩnh, sự tự tin. Cha mẹ cũng có thể dạy con cách suy nghĩ và hành động vượt qua trong những thời điểm khó khăn.
Nếu cha mẹ đang có những hành xử trên thì nên thay đổi ngay lập tức.