Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
119 lượt xem

3 việc cha mẹ đừng "ép" con làm trước12 tuổi, sẽ xáo trộn cảm xúc và ảnh hưởng đến tính cách con

Cha mẹ giáo dục con cách nào nó sẽ lớn lên theo cách đó. Do vậy, nếu muốn cuộc đời con rộng mở hơn, có 3 việc cha mẹ đừng ép con làm trước lúc 12 tuổi.

Một đứa trẻ xuất sắc không bao giờ được sinh ra từ hư không. Đằng sau đó là công lao dạy dỗ và rèn giũa của cha mẹ bao gồm cả tâm huyết, tiền bạc và thời gian. Dấu ấn của giáo dục gia đình bao giờ cũng khắc họa rất rõ nét trong nhân cách và thành công của một người.

Nếu muốn con mình tận hưởng cuộc sống thời thơ ấu mà vẫn có thể đảm bảo tương lai vững chắc, hãy nhớ có 3 việc cha mẹ đừng ép con làm trước lúc 12 tuổi:

1. Buộc trẻ phải chia sẻ

Nhiều bậc cha mẹ dạy con phải biết chia sẻ từ khi còn nhỏ và dạy rằng “chia sẻ là một đức tính tốt”. Nhưng mẹ biết không, trong mắt của một đứa trẻ, một món đồ chơi không đơn thuần chỉ là một món đồ chơi đẹp, trị giá hàng trăm nghìn hay tiền triệu mà đó là thứ mà trẻ yêu quý và dành tình cảm đặc biệt cho nó. Bé không thể hiểu được ý nghĩa của từ “mượn”. Bé chỉ biết khi một món đồ vào tay của ai đó thì nghĩa là nó sẽ không còn thuộc về bé nữa.

Trên thực tế, điều quan trọng hơn việc dạy trẻ phải biết “chia sẻ” là hiểu và chấp nhận “sự ích kỷ” của trẻ trước tiên.

Nếu đã hiểu được tính “ích kỷ” của trẻ, cha mẹ nên đứng từ góc nhìn của trẻ để xem xét nên hay không nên, thay vì ép trẻ phải làm những việc mà chúng không thích vì cái gọi là sự sẻ chia. Hãy nhớ, chia sẻ chỉ có thể là một đức tính tốt khi và chỉ khi dựa trên sự sẵn lòng và niềm hạnh phúc của trẻ.

2. Buộc trẻ em phải chịu đựng

Khi một đứa trẻ bị bạn bè hoặc ai đó bắt nạt bên ngoài, cha mẹ hướng thiện sẽ dạy con rằng đó là sự vô ý và người làm ra hành vi đó không có ác ý. Sẽ thật là một phước lành nếu con chịu bỏ qua cho bạn và nhường nhịn. Ngay cả khi đứa trẻ muốn “lấy lại công bằng” thì cha mẹ luôn gợi ý con phải kiên nhẫn và chịu đựng. Nếu đang hành xử như vậy, cha mẹ hãy tự hỏi mình xem cách giáo dục này có thực sự tốt cho con mình không?

Khiêm tốn vừa phải là lịch sự, nhưng khiêm tốn quá mức sẽ trở nên hèn nhát.

Là cha mẹ, đừng nên ép con cái phải chịu đựng nhất là khi trẻ muốn tìm lại công bằng cho chính mình. Điều nên làm là trau dồi cho con khả năng phân biệt đúng sai và tự vệ một cách đúng đắn, thay vì mù quáng nhân nhượng và âm thầm chịu đựng. Kẻ nhân nhượng sẽ dễ dàng bị lấn áp và trở thành nạn nhân của những kẻ ưa bắt nạt.

3. Buộc trẻ phải xin lỗi

Khi phát hiện con mình có lỗi, cha mẹ luôn buộc con phải nói lời xin lỗi. Đứa trẻ có thể vì sợ cơn giận dữ hay hình phạt của cha mẹ mà nói ra lời đó nhưng không phục. Kiểu xin lỗi theo gợi ý hay bắt buộc của cha mẹ đều sẽ trở nên vô nghĩa bởi vì nếu đứa trẻ không chủ động làm nó trở nên rỗng tuếch. Buộc con phải xin lỗi là một trong 3 việc cha mẹ đừng nên ép con làm trước lúc 12 tuổi. Việc làm này sẽ chỉ rút ngắn thời gian biến con trở thành một người đạo đức giả và hủy hoại cuộc sống của trẻ chứ không mang lại giá trị giáo dục một nhân cách.

Khi trẻ mắc lỗi, điều cha mẹ cần làm là để trẻ hiểu ra hành vi và hậu quả của của mình. Khi cảm nhận được thiệt hại mình gây ra, trẻ sẽ nhận ra mình đã sai, sai ở đâu và chủ động sửa chúng với tất cả trách nhiệm của một đứa trẻ.

Nếu một ngày, đứa trẻ nhận ra rằng sau một lời xin lỗi chân thành, nó có thể nhận được nhiều tình bạn hơn, thoải mái và hạnh phúc hơn thì lời xin lỗi sẽ trở nên chân thành, tự nhiên. Đứa trẻ cũng nhờ vậy mà chịu khó sửa đổi để không lặp lại sai lầm lần nữa.

Tuy vậy, đây lại là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ cha mẹ. Chỉ có tình yêu thương và sự chờ đợi vô hạn của cha mẹ mới khiến trái tim con trẻ trở nên mạnh mẽ hơn.

Cha mẹ là giáo viên trọn đời của con. Tương lai của những đứa con luôn cần có sự hướng dẫn của cha mẹ. Thế nên, muốn con phát triển theo đúng cá tính của mình và có sự chủ động tốt hơn với cuộc đời của chính nó, 3 điều cha mẹ đừng nên ép con làm trước lúc 12 tuổi kể trên sẽ là điều mà bố mẹ phải thuộc nằm lòng. Hãy nhớ, chúng ta có thể cho con cái mình tình yêu, nhưng không thể áp đặt đường đời của mình lên các con bố mẹ nhé!

Bài viết cùng chủ đề: