Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

3 thói quen giúp con gặt hái thành công: Điều CUỐI CÙNG ít người hướng dẫn vì sợ con tổn thương

Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ hình thành những thói quen tốt.

Người ta thường ví mỗi đứa trẻ giống như trang giấy trắng. Bởi chúng trong sáng, hồn nhiên và chưa nhận thức được vấn đề. Vì vậy, trẻ cần được cha mẹ giáo dục, rèn giũa theo từng giai đoạn. Nhờ sự giáo dục của gia đình, mỗi đứa trẻ sẽ hình thành tính cách, lối sống riêng.

Cha mẹ nào cũng mong con cái thành công, có vị thế trong xã hội, sớm “hóa rồng, hóa phượng”. Nhưng trên thực tế, việc nuôi dưỡng một đứa trẻ thành tài không thể trong ngày một ngày hai mà cần cả quá trình rèn luyện. Là cha mẹ, trước tiên chúng ta phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống. Sau đó hãy hướng dẫn con một cách cẩn trọng, đúng đắn để đảm bảo con có tương lai rạng ngời.

Phương pháp giáo dục của mỗi người sẽ khác nhau. Chỉ cần nhìn vào thái độ, lời nói, hành động của trẻ là có thể đoán được môi trường nuôi dạy như thế nào. Cha mẹ là người tác động sâu sắc nhất đến quá trình phát triển của trẻ.

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên chú trọng bồi dưỡng những thói quen tốt cho con. Ngoài việc đọc sách, đây là những cách hay để tạo nên đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện, có tính tự lập.

1. Giúp trẻ xây dựng khái niệm thời gian

Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con họ thường xuyên thức khuya khiến ngày hôm sau không dậy sớm đi học được. Trẻ đi học trễ và bị giáo viên phê bình. Tình trạng diễn ra do trẻ chưa có khái niệm về thời gian và thói quen sinh hoạt hợp lý.

Những đứa trẻ này thường trì hoãn công việc bằng nhiều lý do không thỏa đáng. Chúng cũng không có kế hoạch rõ ràng, dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá. Cách giải quyết tình trạng này không khó.

Cha mẹ hãy trau dồi quan niệm, nhận thức về thời gian bằng việc mua cho con chiếc đồng hồ báo thức hoặc đồng hồ đeo tay. Trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng của thời gian. Dần dần chúng sẽ hình thành thói quen đến đúng giờ, tôn trọng thời gian của người khác. Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn con lên kế hoạch, thời khóa biểu chi tiết. Chẳng hạn hãy lập bảng quy định: Con cần dậy lúc 6h30 để không bị muộn học; buổi tối phải chuẩn bị sách vở, đồ dùng cho ngày hôm sau,… Nếu không thực hiện nghiêm túc, con phải chịu hình thức kỷ luật.

Cha mẹ cần giúp trẻ nhận thức về khái niệm thời gian từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành được thói quen tốt, làm công việc thường ngày mà không cần thúc giục. Đồng thời, điều này giúp trẻ sửa những thói quen xấu như: Trì hoãn, không đúng giờ, làm việc không có kế hoạch,…

2. Giúp trẻ không sợ mắc sai lầm

Trước khi đạt tới thành công, mỗi chúng ta đều phải nỗ lực và cố gắng không ngừng. Càng lùi bước càng thể hiện bản thân yếu kém. Việc mạnh mẽ vượt qua chông gai, thách thức mới có thể nhìn thấy những điều tươi đẹp. Cuộc sống không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, không thể tránh khỏi những thời điểm khó khăn. Việc cha mẹ cần làm là rèn luyện cho trẻ tinh thần không sợ mắc sai lầm và luôn dũng cảm vượt qua thách thức.

Chẳng hạn nhiều đứa trẻ ngại giao tiếp khiến chúng có ít bạn, khó hòa nhập với môi trường học tập. Cha mẹ hãy khuyến khích con mạnh dạn nói chuyện, bày tỏ quan điểm, tham gia hoạt động chung. Dần dần con sẽ trở nên tự tin, dũng cảm, hoạt ngôn hơn. Và cha mẹ hãy nói với con rằng: “Chỉ cần bản thân muốn thử, ắt mọi điều đều có thể làm được”.

Thực ra, việc mắc lỗi không có gì là ghê gớm. Ngay cả người lớn cũng mắc lỗi thường xuyên. Vì vậy, cha mẹ không nên quá khắt khe với trẻ. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh phân tích vấn đề cho trẻ hiểu. Sau đó hãy đưa ra một vài lời khuyên hữu ích.

Hãy hun đúc cho trẻ bản lĩnh vững vàng, dám đối mặt trước thách thức, dám chấp nhận thất bại để rút ra bài học quý giá. Mỗi một lần thất bại là một lần giúp trẻ trưởng thành, hoàn thiện bản thân hơn. Trẻ cũng học được cách sống có trách nhiệm với sự lựa chọn của chính mình.

3. Rèn luyện tính tự giác, tự lập

Nếu trẻ không có ý thức sẽ khó đạt được tính tự giác. Muốn rèn cho trẻ tính tự giác thì ban đầu, cha mẹ không nên bắt trẻ phải làm thế này, thế kia. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của trẻ và đừng quên dặn trẻ phải kiên trì.

Hãy để trẻ bắt đầu từ những việc nhỏ rồi dần dần làm việc lớn hơn. Điều này sẽ trau dồi tính tự giác cho trẻ. Chẳng hạn như nếu trẻ muốn chơi lego, hãy để trẻ thỏa sức chơi và dặn trẻ nộp sản phẩm sau khi hoàn thành, không được bỏ cuộc giữa chừng. Đồng thời, cha mẹ cần thiết lập các tiêu chuẩn, quy tắc để trẻ tuân thủ.

Nhiều bậc cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, làm mọi thứ giúp con. Họ luôn có nỗi sợ vô hình trong tâm trí: Sợ con gặp sự cố, sợ con mệt, sợ con gặp nguy hiểm. Những đứa trẻ này còn được gọi là “trẻ trong lồng kính”. Chúng sẽ sống một cuộc đời thụ động, tính tự chủ kém, luôn trông chờ vào người khác. Và kết quả là sau này lớn lên, chúng khó phát triển sự nghiệp, cơ hội thành công ít hơn người khác.

Vì vậy, cha mẹ không nên bao bọc con quá mức. Hãy học cách buông lỏng để trẻ có cơ hội trau dồi tính tự lập, tự giác. Sau này lớn lên chúng sẽ sẵn sàng đối mặt với gian nan, không cần trông chờ, dựa dẫm vào bất kỳ ai. Những đứa trẻ này sẽ thích nghi với xã hội một cách nhanh chóng.

Cha mẹ hãy giao quyền lựa chọn cho con. Hãy để con tự quyết định và chọn con đường cho mình. Đây mới là cách giúp trẻ có trách nhiệm, có bản lĩnh trước cuộc đời đầy sóng gió. Cuối cùng trẻ nhất định đạt được thành công vang dội.

Bài viết cùng chủ đề: