Khi một gia đình không thể cứu vãn, việc bố mẹ vẫn cứ cố chấp chung sống cũng khiến đứa trẻ phải chịu nhiều tổn thương.

Gần nhà em có con bé kia năm 18 tuổi đòi lấy chồng cho bằng được mặc gia đình ngăn cản, cuối cùng hết cách bố mẹ nó cũng cho lấy, xong có bầu, mới sinh con chưa đầy tháng thằng chồng đã bỏ đi mất tăm mất tích. Nghe bảo cãi nhau rồi ẩu đả tối ngày, gặp hai vợ chồng còn trẻ quá nên đứa nào cũng mải chơi, đẻ xong nó vứt con cho ông bà ngoại ở nhà muốn làm gì thì làm, tối ngày đi ăn chơi phè phỡn, nhìn thằng nhóc đúng tội luôn các mẹ ạ, đúng là mới sinh ra đã số khổ chẳng được bố mẹ bên cạnh quan tâm yêu thương. Em thấy đa số mọi người ai cũng cho rằng bố mẹ ly hôn là điều tồi tệ nhất đối với những đứa trẻ, thế nhưng sự thật là có 3 kiểu gia đình sau dù không ly hôn nhưng vẫn có thể là môi trường cực kỳ tệ hại đối với sự phát triển của con cái, có cố chấp sống chung cũng chỉ thêm nhiều vết thương lòng cho những đứa trẻ mà thôi.

1. Bố mẹ lừa dối nhau

Hôn nhân được xây dựng trên một nền tảng của sự tin tưởng. Từ đó, mỗi thành viên trong gia đình sẽ thêm gắn kết và yêu thương nhau hơn. Nếu muốn là một ông bố, bà mẹ gương mẫu, hãy có trách nhiệm với gia đình và đừng bao giờ lừa dối đối phương. Hãy thử tưởng tượng đến cảnh nếu một ngày con cái phát hiện ra bố hoặc mẹ mình đang có mối quan hệ bất chính, liệu chúng sẽ cảm thấy mất niềm tin như thế nào. Rất nhiều đứa con đã phát hiện ra gia đình mình thực sự chỉ là một vỏ bọc gian dối khi bố hoặc mẹ chúng đã ngoại tình với người khác. Nếu không còn có thể chung sống như một gia đình thì thà cứ làm rõ ràng mọi chuyện, chọn quyết định chấm dứt trong sự văn minh còn hơn là việc cứ lén lút lừa dối nhau và vô tình làm gương xấu, khiến hình ảnh của mình bị sụp đổ trong mắt con cái.

2. Bố mẹ hay cãi vã, xung đột

Một khi đã chấp nhận chung sống, chỉ mong các bậc phụ huynh hãy cố gắng tạo cho con mình một môi trường tốt nhất. Nếu đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi vã, ẩu đả, nếu đó là những cảnh tượng chúng phải chứng kiến mỗi ngày thì quả thật chúng quá đáng thương. Bố mẹ thường xuyên xung đột khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi, thay vì được tận hưởng niềm hạnh phúc vì được bố mẹ chăm sóc, yêu thương, đứa trẻ sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và lo sợ không biết những cuộc cãi vã sẽ đến vào lúc nào. Theo các chuyên gia, trẻ sống trong gia đình không hòa thuận thường có bản tính nhút nhát, sợ sệt, hay cho rằng mình có lỗi. Tỷ lệ những em bé bị tổn thương tâm lý và mất niềm tin vào cuộc sống hôn nhân của chính mình trong tương lai cũng sẽ cao hơn hơn. Vì thế, nếu cuộc hôn nhân đã không thể cứu vãn, thà các bậc phụ huynh hãy cứ thẳng thắn trao đổi và chọn cách dừng lại thay vì để con trẻ phải chứng kiến cảnh bố mẹ mình ẩu đả, mắng chửi nhau mỗi ngày.

3. Không ly hôn nhưng vẫn thờ ơ, lạnh nhạt với gia đình

Có nhiều cặp vợ chồng vì ái ngại ánh nhìn của những người xung quanh, lo sợ con sẽ không có một gia đình trọn vẹn mà chấp nhận sống chung khi tình cảm đã hoàn toàn phai nhạt. Họ tưởng rằng chỉ cần vẫn chưa ký vào giấy ly hôn, con cái sẽ được lớn lên trong sự đủ đầy, hạnh phúc, tuy nhiên, phần lớn mọi người có suy nghĩ ấy đều đã lầm. Điều những đứa trẻ cần là một môi trường gia đình thật sự hạnh phúc, nơi đó bố mẹ sẽ luôn hòa thuận, yêu thương, quan tâm đến nhau và cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chăm sóc con cái. Nếu vẫn chung sống nhưng bố mẹ lại thờ ơ với nhau từ đó dẫn đến lạnh nhạt với con trẻ, không thèm quan tâm đến những vấn đề trong nhà thì tất cả mọi thứ gia đình đó có chỉ là một lớp vỏ bọc bên ngoài mà thôi. Khi phải lớn lên trong một môi trường như vậy, đứa trẻ thường sẽ không nhận đủ được tình yêu thương, chúng dễ cảm thấy ngột ngạt, chán nản mỗi khi về nhà, và điều này còn thực sự tệ hại hơn việc bố mẹ ly dị nhưng mỗi người vẫn thực tâm chăm lo cho con cái bằng những cách riêng.