Hy vọng những kiến thức này sẽ có ích với các mẹ đang mong muốn khơi gợi niềm hứng thú đọc sách cho con mình.

Não bộ của trẻ phát triển nhanh từ 0 – 3 tuổi. Việc kích thích não bộ bằng cách đọc sách cho trẻ nghe trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành thói quen yêu thích việc đọc ngay từ sớm. Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của một đứa trẻ. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ cố gắng tìm cách giúp con mình yêu thích việc đọc sách.

Chị Lê Thanh Giang (sống tại Đà Nẵng) là mẹ của em bé có biệt danh là Ben. Sau hơn 10 năm với hai bạn nhỏ, chị Giang đã đúc kết được chút kinh nghiệm cho bản thân, hy vọng sẽ có ích với các mẹ đang mong muốn khơi gợi niềm hứng thú đọc sách cho các con của mình.

1. Bắt đầu từ thứ con thích

Các bé tuỳ độ tuổi sẽ có các sở thích khác nhau, nhưng cơ bản sẽ thích con vật, xe cộ, hoa quả, gấu bông. Như bé nhà mình, vì trước đó mình đã mua 1 số cuốn rồi và bé rất thích cuốn Chú sâu háu ăn, nên mình bắt đầu từ đó.

Vì con thích chú sâu, nên mẹ quấn luôn cho 1 chú sâu từ chỉ thêu

2. Cho con một không gian riêng để ngồi đọc

Mình chọn ghế lười vì nó êm, mềm và đặc biệt khi ghế lại có luôn hình chú sâu. Các bạn có thể chọn đệm mút, ghế cho trẻ em, miễn là êm và thoải mái khi ngồi lâu nhé.

Bày binh bố trận để dẫn dụ con vào góc đọc sách

3. Chọn cho con giá sách yêu thích

Các bạn có thể chọn giá hình ngôi nhà, hình con thuyền hay hình ô tô, hay 1 giá sách truyền thống, nhưng nên để thấp vừa tầm với của con. Điều này giúp con có thể chủ động lấy sách xem bất cứ khi nào con muốn, mà không cần nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn.

Giá sách vừa tầm với để con tự lấy sách khi con muốn

Thời gian đầu khi cho bé làm quen với sách, mình hay có các hoạt động, con thú minh hoạ cho câu chuyện đó. Ví dụ chuyện chú sâu thì mình lấy chỉ thêu quấn thành 1 chú sâu nhìn cũng như thật để con cầm chơi và xuyên qua các rau củ quả bằng giấy.

Hay như khi kể chuyện Thân gửi sở thú, mình cũng có những con vật tương ứng như trong chuyện, cho thêm sinh động. Và mình hay cho con ra “thực địa” để con biết những điều trong sách trông như thế nào ở ngoài đời, để con thấy sách thật là gần gũi, và có thật chứ không hề xa lạ.