Khi trẻ được dạy tính tự lập từ sớm thì chúng có thể tự biết chăm sóc bản thân thật tốt dù không có bố mẹ bên cạnh hay khi gặp bất kì tình huống khó nào.

Một trong những bài học quý giá nhất cha mẹ dạy cho con cái chính là đức tính tự lập. Trẻ em ngày nay được nuông chiều, yêu thương và bao bọc một cách thái quá. Điều này khiến chúng không dám thoát ra vỏ bọc của bố mẹ để mạnh dạn làm những điều to lớn hơn. Việc dạy con tự tin, tự lập, thỏa sức làm những điều mình thích không phải là chuyện dễ dàng.

Một đứa trẻ được dạy tính tự lập từ nhỏ có khả năng thích nghi với môi trường sống nhanh hơn, ít phụ thuộc, ỷ lại vào bố mẹ. Để dạy con tự lập, cha mẹ cần rèn luyện cho bé ngay từ lúc con còn nhỏ, tốt nhất là trước khi trẻ 3 tuổi để bé có thể hình thành những thói quen cơ bản nhất, tạo tiền đề cho phát triển tính cách về sau.

Những hành động về tính tự lập cha mẹ nên rèn luyện cho con

1. Dạy con tự xúc đồ ăn của mình

Không ít gia đình đến khi con 5, 6 tuổi vẫn được bố mẹ xúc từng thìa cơm, rót từng cốc nước. Thế nhưng, hành động này không phải là tốt, thậm chí còn hại con. Bố mẹ hay cho rằng sợ con đói, khát mà vô tình khiến con trở nên phụ thuộc. Hầu hết trẻ 3 tuổi đều đã có thể tự cầm thìa xúc thức ăn. Mẹ hãy để con tự phục vụ bữa ăn của mình, không nên xúc cơm cho trẻ.

2. Dạy con làm những việc trong sức của mình

Ở tuổi lên 3, bé chưa phân biệt được chơi và công việc. Bé chỉ thích làm mọi thứ. Con thường hăng hái giúp đỡ người khác và rất thích nhận về những lời khen ngợi. Mẹ hãy dạy bé 1 số việc nhà đơn giản như dọn dẹp giường sau khi ngủ dậy, tưới cây, dọn dẹp đồ chơi, thu gom rác, gấp quần áo… Phụ huynh đừng đòi hỏi quá cao vì bé còn nhỏ mà! Vì bé còn quá nhỏ nên không tập trung lâu được, bạn có thể dành khoảng 5-10 phút cuối cùng làm với bé để hoàn thành nốt công việc.

3. Để con tập kết bạn

Việc trẻ tự kết bạn, làm quen với mọi người cũng là một trong những tính cách cần rèn luyện. Trẻ có thể nhút nhát, e ngại lúc ban đầu, nhưng nếu được sự động viên của bố mẹ, con sẽ mạnh dạn hơn. Nếu thấy con chưa thật sự sẵn sàng, hãy khích lệ thay vì mắng mỏ.

Tiến sĩ tâm lý học Susan Bartell nói rằng, trẻ 3 tuổi chưa biết cách chia sẻ cảm xúc của mình nhưng sự nhận thức về cảm xúc của người khác bắt đầu phát triển. Để dạy trẻ nhận thức, bạn có thể nói cho trẻ biết rằng: “Nếu con lấy đồ chơi của bạn, bạn sẽ buồn lắm đấy”. Nhờ đó, bé có thể rèn luyện sự tự tin, khả năng giao tiếp, thấu hiểu và phát triển ngôn ngữ của mình.

4. Cho trẻ tham gia các hoạt động

Cha mẹ đừng quá lo lắng con còn nhỏ mà cấm đoán chúng tham gia những hoạt động trường lớp, hoặc khu phố. Ngược lại khi trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng của mình, con sẽ tự tin hơn, linh hoạt nhanh nhẹn hơn thậm chí vượt qua nỗi sợ hãi khi nghĩ mình không thể làm được.

5. Dạy con tự lập là biết cách kiềm chế cơn giận

3 tuổi, trẻ bắt đầu biết bùng phát cơn giận. Lúc này, bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và đừng la hét vào mặt con. Ngoài ra hãy nói yêu thương trẻ nhiều hơn, dạy con cách vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ,… để trẻ sớm có thể làm chủ cảm xúc của mình.

6. Đừng ra lệnh, hãy khuyến khích con lựa chọn

Thay vì nói với con: “Nhặt cho mẹ miếng gỗ đó”, bạn nên nói: “Con có thể giúp mẹ lấy miếng gỗ đó không?”. Sau khi con giúp bạn, đừng quên dành một lời khen ngợi cho bé nhé.

Đôi khi trẻ cũng tự làm theo ý mình. Nếu điều đó hợp lý hoặc không đến nỗi quá tệ hại, mẹ hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Nếu con làm sai, mẹ hãy thẳng thắn chỉ bảo và cho trẻ thấy hậu quả hành động của mình. Như thế con sẽ có ý thức hơn mỗi lần ra quyết định.

7. Hãy để con bạn lựa chọn ngay cả khi được khen thưởng

Nếu bạn muốn khen thưởng con bạn bằng một thứ gì đó, chẳng hạn như trái cây hay kẹo bánh, hãy hỏi chúng xem chúng muốn có bao nhiêu quả/cái. Ví dụ, hãy hỏi: “Con muốn 3 hay 5 quả táo?”, con bạn sẽ chọn số lớn hơn và cảm thấy như chúng vừa hoàn thành một đầu việc bạn giao. Bằng cách này, chúng không chỉ trở nên tự tin hơn mà cũng rèn được tính tự lập. Nếu bạn muốn những lựa chọn trở nên hợp lý và tốt cho sức khỏe hơn, bạn có thể bẻ miếng bánh ra làm nhiều miếng hoặc bổ quả táo ra làm nhiều miếng nhỏ rồi đếm chúng.

Điều quan trọng hơn cả là hãy đối xử với con bạn như người lớn ngay cả khi chúng còn nhỏ. Việc cho trẻ tiếp xúc với những con số cũng như việc tự đưa ra quyết định sẽ giúp chúng hiểu hơn về giá trị của đồng tiền.

8. Để con được tự chơi một mình

Bạn có thể khuyến khích con tự chơi một mình ngay từ khi con bạn mới 1 tuổi. Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng việc để con chơi một mình vài phút trong phòng, sau đó tăng dần thời gian. Đến khi con bạn 3-4 tuổi, mỗi sáng khi chúng thức dậy, hãy dạy chúng tự chơi một lúc thay vì lập tức đánh thức bạn dậy. Theo thời gian, con sẽ nhận ra điều thú vị khi chơi một mình đó.

Trên đây là một số cách bố mẹ có thể dạy con tự lập khi còn nhỏ. Trẻ học được tính tự lập sẽ sống có trách nhiệm hơn. Ngoài tính tự lập, bố mẹ cần dạy con thêm nhiều kỹ năng để trẻ có thể tự tin hơn khi lớn lên.